Cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Chiều 31.7, tại Tọa đàm Bảo đảm lợi ích bền vững khi sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (Vneconomy) tổ chức, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là hạn chế tiêu dùng những sản phẩm không thiết yếu hoặc không có lợi cho sức khỏe, đồng thời hạn chế sản xuất.
Đối với đồ uống có cồn, nếu lạm dụng sẽ không tốt cho sức khỏe. Do vậy, việc đưa đồ uống có cồn là đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt rất đúng và cần thiết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo các quốc gia tăng biện pháp để hạn chế tiêu dùng sản phẩm này.
Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, Cơ quan soạn thảo đề xuất lộ trình tăng thuế suất đến năm 2030 với đồ uống có cồn. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất từ năm 2026, dự kiến khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Bộ Tài chính đề xuất hai phương án về thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn 2026 – 2030. Phương án 1, năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 5% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025. Phương án 2, năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025, Bộ Tài chính nghiêng về phương án này.
Sau đó, trong vòng 4 năm tiếp theo, trong cả hai phương án trên, Bộ Tài chính đề xuất tăng 5%/năm liên tiếp khiến giá bán sẽ tăng 2 - 3% so với năm trước để bảo đảm giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Đến năm 2030, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu trên 20 độ tăng lên mức 90 - 100% (cao hơn hiện hành 25 - 35%); rượu dưới 20 độ lên mức 60 - 70% (cao hơn hiện hành 25 - 35%).
Khẳng định việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn là cần thiết, song điều này có thực sự hạn chế tiêu dùng với sản phẩm này không là điều khiến GS.TS Hoàng Văn Cường băn khoăn.
Ông phân tích, ở nước ta, việc sử dụng đồ uống có cồn là rượu, bia khá phổ biến, trở thành thói quen trong đời sống xã hội. Việc đánh thuế đẩy giá bán rượu, bia tăng sẽ khiến một số người sẽ hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, cũng có thể một số người lại chuyển sang sử dụng sản phẩm tự sản xuất hoặc nhập lậu không được kiểm soát về chất lượng. Do vậy, cùng với tăng thuế, cần phải đi kèm với công tác tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng hiểu về tác hại của sản phẩm này, từ đó thay đổi hành vi tiêu dùng.
Mặt khác, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề xuất của Bộ Tài chính chắc chắn sẽ có tác động tới nền kinh tế, đặc biệt là ngành dịch vụ vốn chiếm tới 60% trong cơ cấu GDP. Các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia cũng sẽ bị ảnh hưởng do phải thu hẹp sản xuất, qua đó tác động tới tăng trưởng kinh tế.
"Không phải vì lo doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà chúng ta không áp thuế này”, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh. Song, theo ông, nếu áp thuế mà dẫn đến hành vi tiêu dùng không tốt thì phải cân nhắc ở mức thuế ra sao, để dùng thuế đó tác động lên thay đổi hành vi.
Thừa nhận đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn đối với đồ uống có cồn “là điều không tránh khỏi”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng, quan trọng nhất cần phải trả lời câu hỏi “chúng ta muốn gì khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn?”.
Nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi hành vi một cách quyết liệt, cần ưu tiên cho đánh thuế cao. Song, nếu tính toán đến các yếu tố khác như ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đến ngành hàng, đến công ăn việc làm của người lao động, thì cần cân nhắc mức thuế và thời điểm áp dụng, ông nói.
Nên có mức thuế, lộ trình riêng
Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là có nên áp dụng chung chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản phẩm rượu và bia?
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, ở nước ta, thị trường bia và rượu khác nhau rất nhiều; ngay với thị trường rượu cũng phân chia rượu vang với rượu mạnh. Với sản phẩm bia, hầu hết là sản xuất trong nước và kiểm soát được. Với sản phẩm rượu, một lượng lớn được sản xuất thủ công, không được kiểm soát chất lượng cũng như không thu được thuế.
Mặt khác, độ cồn của bia và rượu khác nhau, ảnh hưởng sức khỏe cũng khác nhau. Do đó, nên có đánh giá tác động riêng cho bia và rượu để có chính sách, lộ trình tương ứng, không nên gộp chung chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt. Ở các nước đánh thuế theo độ cồn, bà Vân thông tin.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Đặng Thúy Hà, Chuyên gia nghiên cứu hành vi tiêu dùng, Giám đốc khu vực miền Bắc, NielsenIQ Việt Nam, cho rằng, do rượu và bia có nhiều cấp độ cồn khác nhau nên chính sách thuế “không được quy về một mối”.
Cùng với đó, chính sách thuế phải làm cho người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Bởi lẽ, nghiên cứu đã chỉ ra, việc tăng giá bán có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang thương hiệu khác, trong đó xu hướng mua hàng trực tuyến, hàng không rõ nguồn gốc (xách tay) là có.
Tái khẳng định việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn là rất cần thiết để hướng tới hạn chế tiêu dùng, với điều kiện phải kết hợp công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, sự thay đổi nhận thức cần có quá trình. Do vậy, cần cân nhắc lộ trình tăng thuế.
Theo đại biểu, năm 2026 tăng 10% sẽ tạo dấu ấn cả về mặt truyền thông và tác động xã hội, nhưng nếu năm sau chỉ tăng 5% sẽ khó duy trì dấu ấn này. Thay vào đó, có thể 2 – 3 năm sau nữa tiếp tục tăng 10% sẽ tạo làn sóng truyền thông, qua đó tạo sự thay đổi về nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi. Đích đến là phải tăng thuế lên một mức nhất định, nhưng đích đó có thể dài hay ngắn, không nên quá nóng vội, ông nói.
Theo dự kiến, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2024) và thông qua vào Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025).
Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn phải đánh giá tác động, dự báo tác động bằng con số cụ thể. Khi có bằng chứng thuyết phục, việc thuyết phục các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua sẽ không khó khăn, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách phát biểu.