3/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1.2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Sở dĩ có mức tăng này bởi thời gian nghỉ Tết Giáp Thìn năm nay tập trung vào tháng 2, trong khi năm trước nghỉ Tết vào tháng 1 nên thời gian sản xuất tháng 1 năm nay đủ tháng, còn cùng kỳ năm trước thời gian sản xuất ít hơn.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.
Trong mức tăng chung của ngành công nghiệp tháng 1.2024 so với cùng kỳ, có 60 địa phương ghi nhận mức tăng và 3 địa phương giảm. Một số địa phương có chỉ số IIP tăng do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng.
Trong đó, đáng chú ý, Quảng Ninh có mức tăng chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cao nhất, tăng 157,9% (qua đó đóng góp chung vào mức tăng IIP của tỉnh là 69,2%). Tiếp đến lần lượt là Bắc Giang tăng 57,7% (IIP tăng 57,6%); Nam Định tăng 56,9% (IIP tăng 55,3%); Vĩnh Long tăng 51,2% (IIP tăng 49,2%); Hải Phòng có chỉ số IIP tăng 39%...
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm, do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và sản xuất, phân phối điện giảm. Trong đó, Bắc Ninh có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm mạnh nhất so cùng kỳ năm ngoái, với mức giảm 12,6% (IIP giảm 12,3%); Cà Mau giảm 9,2% (IIP giảm 7,8%); Lào Cai có chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,3%.

Dấu hiệu phục hồi dần rõ nét
Việc chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo trong tháng 1 khởi sắc, với mức tăng hơn 19% cũng khá tương đồng so với kết quả khảo sát doanh nghiệp được Tổng cục Thống kê thực hiện tại Báo cáo điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV.2023 và dự báo quý I.2024. Khảo sát được thực hiện đối với 5.749 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cả nước (chiếm 88,4% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra).
Theo đó, có 72,7% doanh nghiệp được khảo sát dự báo số lượng đơn đặt hàng mới trong quý I.2024 sẽ tăng và giữ nguyên so với quý IV.2023 (29,3% tăng; 43,4% giữ nguyên), chỉ còn 27,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Tương tự, 71,4% doanh nghiệp dự báo đơn hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên so với quý IV.2023 (24,6% tăng, 46,8% giữ nguyên); 28,6% doanh nghiệp dự báo giảm.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, từ quý IV.2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn. Thực tế, mức tăng 19,3% trong tháng đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ năm ngoái đã phần nào chứng minh. Cũng nhờ đó, sử dụng lao động trong ngành này đã tăng nhẹ, ở mức tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ 2023.
Theo giới phân tích, với vai trò là trụ đỡ, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế (chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp), quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, sự cải thiện dần của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ đóng góp tích cực vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp kiến nghị, nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cũng như hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề để nâng cao tay nghề lao động nói chung và tay nghề lao động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng. Cùng với đó, các địa phương tạo điều kiện quy hoạch quỹ đất để mở rộng các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến, chế tạo.
Về phía Nhà nước, cần tạo điều kiện thuận lợi trong khâu lưu thông hàng hóa; có các biện pháp nhằm ổn định giá nhiên liệu và năng lượng. Song song với đó, việc tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn cũng là vấn đề được các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hết sức quan tâm.