Áp lực lớn trong bảo đảm mục tiêu tăng trưởng
TS. Phạm Đình Thúy, Hội Thống kê Việt Nam nhận định như vậy tại hội thảo “Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 9.4.
Theo ông Thúy, dù Việt Nam có những cơ hội, như trong quý I.2025, GDP tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất cùng kỳ 5 năm qua; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 10,98 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước…; song xuất khẩu (một trong những động lực tăng trưởng chính) đang có những khó khăn. Dù Mỹ đã tạm hoãn áp thuế nhập khẩu với Việt Nam trong 90 ngày, chỉ áp 10% thuế kể từ 9.4, song mức thuế này vẫn còn để ngỏ, phụ thuộc vào quá trình đàm phán giữa hai bên. Nếu mức thuế tăng sẽ có tác động tới xuất khẩu cũng như tăng trưởng của nền kinh tế, khi Mỹ chiếm gần 30% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam.
Chia sẻ ý kiến trên, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội bổ sung, hiện các động lực cho tăng trưởng đều khá mờ nhạt.
Cụ thể, về đầu tư tư nhân, trong quý I, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 72,9 nghìn doanh nghiệp, thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (78,8 nghìn doanh nghiệp). Vốn đầu tư xã hội rất thấp, chỉ hơn 8%, đầu tư công vẫn rất chậm. Về xuất khẩu, dù Mỹ đã tạm hoãn áp thuế với hàng Việt Nam, song nếu sau 90 ngày mà mức thuế cao lên sẽ có những tác động tiêu cực tới xuất khẩu; chưa kể dòng vốn FDI có thể điều chỉnh sang nước khác có mức thuế vào Mỹ thấp hơn. Cùng với đó, việc dừng một loạt dự án khi phải tổ chức sắp xếp bộ máy, sáp nhập tỉnh cũng sẽ tác động tới đầu tư, công ăn việc làm.
Trong bối cảnh đó, “đẩy nhanh đàm phán với Mỹ và duy trì tăng trưởng là hai vấn đề quan trọng nhất và rất nóng hiện nay để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng”, ông Phong nhấn mạnh.

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để thúc đẩy đầu tư công
Hiện, Đảng, Chính phủ đã và đang có những động thái để đàm phán với Mỹ về mức thuế đối ứng.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, trước mắt, cùng với việc tiếp tục tạo ra cơ chế ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng nội lực và năng lực cạnh tranh, Chính phủ cần chủ động thúc đẩy đàm phán song phương với chính quyền Mỹ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam; đề nghị Mỹ bổ sung thêm các sản phẩm chưa tính đến trong công thức tính thuế đối ứng, như: sản phẩm trí tuệ, sản phẩm số, dịch vụ trực tuyến, dịch vụ giải trí và dịch vụ học tập, du lịch, y tế...; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sang Mỹ; tăng khả năng cung cấp các mặt hàng mà Mỹ cần và thúc đẩy tăng nhập khẩu từ Mỹ để sớm cải thiện cán cân thương mại.
Cùng với việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm của Mỹ, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), ô tô và phê duyệt dịch vụ starlink…, Việt Nam cũng nên cân nhắc, sớm triển khai ưu tiên nhập khẩu từ Mỹ một số sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong nông sản và thực phẩm (thịt bò và thịt heo; trái cây tươi và sản phẩm sữa); sản phẩm công nghệ và phần mềm (hệ điều hành, bộ ứng dụng văn phòng và công cụ phát triển phần mềm giúp nâng cao chất lượng và hỗ trợ chuyển đổi số tại Việt Nam); dịch vụ lưu trữ đám mây từ các công ty lớn như Amazon Web Services (AWS), Google Cloud, Microsoft Azure cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến; dịch vụ quảng cáo trực tuyến trên Google, YouTube và Facebook; sản phẩm công nghiệp và thiết bị y tế, dược phẩm; hóa chất công nghiệp chất lượng cao; dịch vụ tài chính, bảo hiểm và các sản phẩm giáo dục và giải trí…
Trong nước, cần tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững; xanh; số hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế tuần hoàn; tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tập trung vào thị trường tiềm năng..., phấn đấu giữ mục tiêu tăng trưởng.
Cộng đồng doanh nghiệp cần bình tĩnh, chủ động nắm tình hình, đánh giá tác động và xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt; sớm làm quen và chuyển từ trạng thái "thuế nhập khẩu nguyên liệu cao" sang "thuế nhập khẩu thành phẩm cao"; vừa tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, vừa chuyển đổi mạnh sang sản xuất FOB (chủ động nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm) để các khách hàng cùng chia sẻ về thuế, đẩy mạnh việc khai thác các thị trường tiềm năng thông qua FTA và đa dạng hóa thị trường để tăng cường xuất khẩu…
TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài chính bổ sung, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, cần điều chỉnh ngay dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 căn cứ vào tác động của sát nhập tinh giản bộ máy và chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại đang dâng cao. Điều chỉnh định hướng chính sách tiền tệ trên cơ sở dự báo biến động lãi suất, tỷ giá hối đoái, đầu tư cả trong và ngoài nước đến cuối năm 2025 khi tình hình đang biến động rất nhanh, mạnh và nhiều yếu tố bất ổn khó lường.
Bên cạnh đó, ông Ánh cho rằng, cần xây dựng phương án thay thế mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu bằng mô hình cân bằng giữa xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước. Theo đó, không chỉ thay đổi chính sách đối với sản xuất kinh doanh, đầu tư, tín dụng, thuế, đất đai mà cả chính sách thu nhập, tiền lương, tiêu dùng cũng như an sinh xã hội.
Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển Đặng Huy Đông, cần một cuộc cách mạng về thể chế mạnh mẽ như cuộc cách mạng về cải cách bộ máy hành chính đang diễn ra. Thay đổi toàn bộ quy định pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư, xây dựng và môi trường, chuyển hẳn từ quản lý đầu vào, trình tự thủ tục rườm rà, kém hiệu quả, lãng phí và rủi ro công vụ rất lớn cho cán bộ, công chức sang quản lý bằng kết quả đầu ra và cơ chế hậu kiểm. “Chỉ có như thế mới khắc phục được tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm nào cũng thấp và cơ hội hoàn thành được các dự án động lực trọng điểm, đưa đất nước lên đường băng cất cánh vào kỷ nguyên mới”, ông Đông tin tưởng.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ Hồ Đình Lưỡng bổ sung, các cấp, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính; xóa bỏ các rào cản, vướng mắc trong các quy định nhằm khơi thông, phát huy tối đa các nguồn lực của quốc gia. Việc này vừa giảm tải chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, vừa giảm nguồn lực (con người, bộ máy, vật chất xã hội...) để kiểm soát những việc không cần thiết, phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Đảng và Nhà nước, qua đó đóng góp vào cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng.