Đề nghị xử lý dứt điểm đối với các tổ chức tín dụng yếu kém
Trước hết, về vấn đề giải thích từ ngữ, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho biết: Cần rà soát, đối chiếu nội dung giải thích từ ngữ về “người có liên quan” tại điểm d, khoản 28, Điều 4 của dự thảo với Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về 3 hàng thừa kế. Tại dự thảo Luật mới quy định đến 2 hàng thừa kế, như vậy là còn thiếu hàng thừa kế thứ ba và trên thực tế xảy ra nhiều trường hợp phát sinh người có liên quan trong hoạt động ngân hàng từ thừa kế.
Đại biểu cũng cho rằng, cần thiết bổ sung quy định về tập đoàn tài chính, nhóm công ty mẹ, công ty con có tổ chức tín dụng là công ty mẹ với 3 lý do.
Thứ nhất, tại Chương VIII, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đãquy định về nhóm công ty; trong đó, có quy định về tập đoàn kinh tế, nhóm công ty nhưng chưa rõ ràng và cụ thể. Trong khi đó, tổ chức tín dụng là loại hình doanh nghiệp đặc thù, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung nên cần quy định cụ thể về vấn đề này.
Thứ hai, thực tiễn tại Việt Nam đã hình thành một số mô hình tập đoàn tài chính, ngân hàng nhưng chưa có quy định cụ thể điều chỉnh nên khó xác định mức độ sở hữu chéo, rủi ro tập trung và rủi ro lan truyền, các hạn chế về hoạt động trên thực tế.
Thứ ba, tại chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986 năm 2018 đã quy định hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xác định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc thanh tra, giám sát các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ, công ty con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng khuôn khổ pháp lý về tập đoàn tài chính. Trong đó, có nội dung về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản tổ chức tín dụng.
"Để xử lý dứt điểm đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, dự thảo Luật cần rà soát, bổ sung quy định về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước quy định nêu tại khoản 5, Điều 160 theo hướng quy định cụ thể các thời hạn, các phương án tương ứng trong trường hợp các tổ chức tín dụng không phục hồi được sau thời hạn đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát, bổ sung khoản 1, Điều 152, thực hiện phương án khắc phục theo hướng yêu cầu tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp can thiệp sớm, hàng quý báo cáo tình hình thực hiện phương án khắc phục để đảm bảo được tính cấp thiết, hiệu quả của việc can thiệp sớm.
Ngoài ra, cần xem xét, hướng dẫn quy định chuyển tiếp đối với việc định giá các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 có hiệu lực theo hướng cho phép chuyển nhượng phần vốn góp theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua và quy định phương pháp xác định giá chuyển nhượng phần vốn góp trong trường hợp này.
Quan tâm tới các tổ chức công nghệ tài chính Fintech
Về nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho biết, về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được quy định tại dự thảo luật trong Điều 187. Đại biểu cho rằng nếu coi bản chất việc trả nợ của doanh nghiệp từ nguồn tiền thanh lý tài sản đảm bảo tương ứng như việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp giải thể, phá sản thì theo khoản 5, Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020 hay Luật Phá sản, thứ tự thanh toán ưu tiên là nghĩa vụ đối với Nhà nước, nợ thuế cao hơn so với các chủ nợ khác.
"Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán các khoản thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm, gồm thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, án phí, thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, tổ chức mua, bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ khác không có bảo đảm của các bên bảo đảm. Nội dung này rất cần lưu ý", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.
Về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính quy định tại dự thảo luật tại Điều 188, đại biểu cho biết: theo Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, "trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 điều này có quyền trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó. Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án". Như vậy, việc hoàn trả tài sản đảm bảo cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là đã có căn cứ pháp lý.
"Việc đẩy nhanh thời gian ra quyết định của các cơ quan tố tụng là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng nên được bổ sung, sửa đổi tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nhằm đảm bảo tính công khai, khách quan, công bằng trong thi hành pháp luật", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai nêu rõ.
Đáng chú ý, đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động tín dụng không nên chỉ dừng lại ở các tổ chức tín dụng truyền thống mà cần quan tâm tới những tổ chức về Fintech đang phát triển mạnh. "Ban soạn thảo cần xem xét quy định thể chế đối với tổ chức Fintech để góp phần kiểm soát hiệu quả hơn hoạt động tín dụng đen, tạo môi trường tài chính quốc gia lành mạnh", ĐBQH Phạm Thị Thanh mai nêu rõ.