4/5 sản phẩm chè được công nhận sản phẩm tiêu biểu
Trong những năm qua, Sở Công Thương Thái Nguyên đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp xây dựng nhiều đề án chiến lược về chế biến nông sản; sản xuất cơ khí phục vụ công nghiệp nông thôn; chế biến lâm sản... Đồng thời, bám sát Quyết định 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để làm cơ sở triển khai các hoạt động khuyến công.
Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần tăng giá trị của các loại nông, lâm sản. Các đề án đều tập trung phát triển những ngành nghề có lợi thế so sánh, kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ tiên tiến.
Đặc biệt, chương trình khuyến công đã góp phần củng cố thương hiệu "chè Thái Nguyên". Thông qua việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến chè đầu tư máy móc, chương trình khuyến công đã giúp các đơn vị nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cũng như giá trị và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhiều năm qua, tỉnh thường xuyên có các cơ sở có sản phẩm chè được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia; đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia… Năm 2023, Thái Nguyên có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia thì có tới 4/5 sản phẩm chè. Kỳ bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc năm 2024, Thái Nguyên có 9 sản phẩm được công nhận, trong đó cả 9 sản phẩm chè.
Năm 2023, Hợp tác xã Tâm Trà Thái được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 50% giá trị đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, đơn vị đã đầu tư hệ thống máy hút chân không và máy đóng gói sản phẩm tự động phục vụ sản xuất với tổng trị giá trên 600 triệu đồng. Qua đó, góp phần tăng năng suất lao động và giảm chi phí; sản phẩm chè của hợp tác xã bảo quản được lâu hơn đưa thương hiệu Tâm Trà Thái ngày một phát triển, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng sử dụng.
Tương tự, với sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt đã mua sắm hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại vào quy trình sản xuất như máy xay chè, sao chè… Đến nay, đơn vị đã nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hơn so với trước đây và đưa thương hiệu Chè Hảo Đạt ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu khắt khe và sự cạnh tranh của thị trường.
Rà soát, sửa đổi chính sách khuyến công
Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Đình Hùng, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật có tiên quan có nhiều thay đổi, đòi hỏi cần có sự rà soát, đánh giá toàn diện đối với chính sách khuyến công và sửa đổi cho phù hợp. Ví dụ, các văn bản về khuyến công hiện nay chỉ có nội dung hỗ trợ cho đơn vị tổ chức hội chợ, triển lãm và hỗ trợ 80% chi phí gian hàng cho cơ sở công nghiệp nông thôn, không có nội dung hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động khuyến công tham gia hội chợ. Trong khi đó, doanh nghiệp tham gia hội chợ chỉ trưng bày sản phẩm riêng của doanh nghiệp nhưng với Thái Nguyên, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tham gia có thể trưng bày được hết sản phẩm của tỉnh...
Những năm tới, khuyến công Thái Nguyên đặt mục tiêu phát triển ngành nghề thủ công phải gắn với phát triển nông nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm sẽ tiếp tục khảo sát các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến, kinh doanh chè; nghiên cứu thị trường để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp sát thực tiễn, mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về kiến thức nền tảng, đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm tốt hơn, mục tiêu cuối cùng là tạo ra thu nhập tốt cho người dân và phát triển bền vững doanh nghiệp.
Để hoạt động khuyến công ngày càng chất lượng và hiệu quả, Trung tâm đề xuất bổ sung hỗ trợ các đơn vị sư nghiệp công lập hoạt động công tác khuyến công tham gia đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu dự hội chợ, triển lãm do Cục Công Thương địa phương tổ chức. Có quy định cụ thể về thời gian sử dụng máy móc thiết bị sau khi hỗ trợ kinh phí khuyến công theo mốc thời gian trong văn bản quy phạm pháp luật tại các nghị định và thông tư...