Hỗ trợ mạnh cho sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đạt kết quả tích cực dù phải đối mặt với nhiều thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng 20,6% so với tháng trước, tăng 16,7% so với tháng 3.2023; chỉ số IIP 3 tháng tăng 23,89% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,5%). Kết quả này có đóng góp không nhỏ của công tác khuyến công.
Riêng năm 2023, Bắc Giang đã thực hiện và hoàn thành 100% kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia được phê duyệt; bao gồm 6 đề án, với tổng kinh phí thực hiện là 3,2 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ được 11 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến để sản xuất các sản phẩm: thiết bị cơ khí chính xác, cửa thép vân gỗ, băng tải con lăn, bao bì đóng gói sản phẩm, chế biến đông trùng hạ thảo, nông sản đóng hộp phục vụ xuất khẩu…
Sở Công Thương Bắc Giang cũng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, cơ sở công nghiệp nông thôn hoàn thành tốt kế hoạch khuyến công tỉnh, tổng kinh phí là 3,2 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, địa phương đã hỗ trợ thực hiện 9 đề án thuộc nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Năm 2024, từ nguồn ngân sách tỉnh dành cho hoạt động khuyến công đã giao cho Sở Công Thương Bắc Giang là 3,5 tỷ đồng; ước 6 tháng đầu năm 2024, tổ chức triển khai 16/18 đề án được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ.
Theo đó, đã thực hiện 10 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật; trong đó, dự kiến hoàn thành 7/10 đề án được phê duyệt. Đồng thời, hoàn thành 1 đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn; tổ chức tham gia các Hội nghị, Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024. Thực hiện 1 đề án tư vấn, trợ giúp cơ sở công nghiệp nông thôn. Triển khai 2 đề án cung cấp thông tin, tuyên truyền. Tổ chức thực hiện 2 đề án nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công.
Nhìn chung, công tác khuyến công đã và đang hỗ trợ mạnh cho sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Bắc Giang tăng trưởng.
Phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công
Tuy nhiên, do thời gian xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2024 phải được hoàn thành, trình duyệt trong năm 2023; theo đó, căn cứ để xây dựng các đề án khuyến công quốc gia, dựa trên báo cáo, phương án phát triển sản xuất, báo giá máy móc thiết bị... của các cơ sở công nghiệp nông thôn cung cấp. Vì vậy, sau khi được phê duyệt, một số đề án dạng nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất vẫn còn phải đề nghị điều chỉnh giảm mức tổng kinh phí đầu tư, tên máy móc thiết bị đề nghị hỗ trợ, thông số kỹ thuật máy móc thiết bị...
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn tại các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn ít nên số đề án khuyến công triển khai tại đây chưa nhiều, mặc dù đây là những địa bàn ưu tiên của chương trình khuyến công.
Xác định công tác khuyến công là giải pháp quan trọng nhằm đạt mục tiêu phát triển công nghiệp của địa phương, Sở Công Thương Bắc Giang phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công quốc gia, kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, tổ chức chính trị - xã hội tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia, kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh 2025 tham mưu, đề xuất Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến các văn bản quy định mới liên quan đến công tác khuyến công nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác khuyến công. Tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan có thẩm quyền tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện các đề án và nghiệm thu kết quả sau khi thực hiện xong.
Ngoài ra, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền ngừng thực hiện, điều chỉnh bổ sung sang thực hiện đề án khác đối với các đề án không đáp ứng được yêu cầu theo hợp đồng hỗ trợ đã ký hoặc có sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện. Phối hợp các đơn vị thụ hưởng đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, kịp thời nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng, sớm mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, địa phương và xã hội.