Có một thực tế, nhiều quý vị đi mua nhà biết là công tác kiểm tra chất lượng công trình, không biết ở ngành xây dựng thế nào, còn đối với người mua nhà thì gần như không biết. Tôi cảm giác bị bỏ rơi, bạn bè tôi cũng thế, khi đi mua nhà rất phàn nàn về chuyện này. Người mua nhà phải được quyền đề nghị cho xem tiêu chuẩn chất lượng công trình từ bản thiết kế và xác nhận để kiểm tra đạt tiêu chuẩn khi đã xây xong. Nhưng rất nhiều trường hợp muốn biết chất lượng như thế nào từ độ dày, độ mỏng, chất lượng bê tông… thì hầu như không biết hỏi ai. Đây là một thực tế. Người ta nói dán mác một công trình chất lượng cao hoặc gì đó là mình phải chấp nhận. Nếu sửa đổi, bổ sung được vấn đề này trong Luật Xây dựng thì tốt, nếu không thì các nghị định hướng dẫn cụ thể phải đưa vào để bảo đảm quyền lợi của người mua nhà.
Tiếp đến là phải dần từng bước hạn chế, tiến đến bỏ việc chia đất, phân nền nhỏ, dài. Đây là thực tế lạc hậu vào loại bậc nhất vì rất tốn đất và không quản lý được quy hoạch, cũng là một vấn đề nhức nhối mấy chục năm vừa qua. Xu hướng bây giờ đã tốt hơn, nhưng phải được đậm nét hơn trong quy định của luật pháp. Hạn chế và tiến đến bỏ việc xây thô bán căn hộ. Vì sao? Tôi cam đoan đến thời điểm hiện nay, phần lớn vẫn mua căn hộ xây thô sau đó sửa để ở. Nếu nhìn trong bình diện rộng thì thấy việc đó gây tốn kém ghê gớm cho xã hội. Mua căn hộ như thế hầu như đập sửa toàn bộ. Nhẹ thì sửa bếp, sửa cầu thang, nặng thì gần như sửa toàn bộ. Thực tế có những sàn rất mỏng mà tôi không biết hỏi ai, lại phải đục ra để làm dầm lại toàn bộ, vô cùng lãng phí. Tiền nào cũng là tiền của nhân dân, cũng là của đất nước này.
Phải có quy định để tăng cường công tác kiểm tra xây dựng của các cơ quan chức năng, tránh đưa vào chuyện đã rồi. Câu chuyện cắt ngọn công trình xây dựng ở thành phố Hà Nội cũng là một vấn đề nóng của toàn xã hội. Cắt ngọn là một giải pháp tình thế. Tôi đồng ý với tính nghiêm khắc của luật pháp nhưng tôi không đồng ý với cách xử sự. Một cái nhà bao giờ cũng có kết cấu mà kết cấu đó đã phê duyệt trước, bây giờ cắt ngọn làm sao bảo đảm an toàn? Ví dụ, xây nhà này kế hoạch an toàn trong 100 năm, động đất là bao nhiêu chẳng hạn, bây giờ tự nhiên bị đập phá, cắt ra như thế chỉ là giải pháp tình thế. Quản lý phải nghiêm khắc nhưng làm sao để đừng xảy ra việc đó.
Một ý nữa cũng rất quan trọng mà nhân dân, cử tri đều nói, khi “cắt ngọn” thì trước hết phải “cắt” ngay quản lý của những người có quyền đó, sau đó mới tiến hành cắt ngọn nhà. Xử lý của chúng ta chưa nghiêm khắc trong việc này làm cho cử tri rất bức xúc. Tôi mới lên Mã Pì Lèng, bây giờ vào tình trạng rất khó. Người dân đã phải chở từng bao xi măng lên đó rất khó khăn. Xây dựng một công trình trên đó rất tốn kém, đập phá đi thì cũng phải nói là rất tiếc. Nhưng không đập thì không nghiêm vì cùng một lúc vi phạm về xây dựng, giao thông và Luật Đất đai. Vấn đề là chính quyền phải làm sao đó để đừng xảy ra việc đó. Người ta xây nhà phải vài tháng, thậm chí cả năm mới xong. Tại sao lại để như vậy?
Tôi mong từ nay trở đi, không nghe đến những chuyện phải cắt ngọn, không nghe đến chuyện phải đập phá nữa là vì chúng ta làm nghiêm ngay từ đầu.