Giải quyết hồ sơ nhanh chóng, thông suốt
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Nghị quyết đặt mục tiêu năm nay sẽ giải ngân 95 - 100% kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng giao và giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương. Đồng thời, giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Để đạt mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước (KBNN) đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai, minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, hệ thống KBNN tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công, trong đó có việc đẩy mạnh thực hiện giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến.
Lãnh đạo KBNN Đồng Nai cho biết, đã chỉ đạo toàn ngành triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất việc thanh toán khối lượng cho các dự án, các chủ đầu tư thông qua dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, thời gian giải quyết trong vòng 1 ngày, áp dụng theo phương thức thanh toán trước, hậu kiểm sau. Việc rà soát chi tiết các hạng mục, khối lượng được thực hiện vào cuối tháng để tránh tình trạng dồn ứ hồ sơ.
Năm 2022, Đồng Nai được phân bổ hơn 14,1 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó nguồn vốn từ ngân sách trung ương gần 4,7 nghìn tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 9,4 nghìn tỷ đồng. Đến giữa tháng 9, tỷ lệ giải ngân của tỉnh được 4.686 tỷ đồng, đạt 35,12% kế hoạch vốn. Đặc biệt vẫn còn 11 dự án được giao kế hoạch vốn từ đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn cấp huyện, thành phố sau khi thành lập phải khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công và nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình phải xử lý thật nghiêm. Những đơn vị năng lực yếu kém, cố ý kéo dài tiến độ dự án, tỉnh sẽ xử phạt và không cho thực hiện những gói thầu tiếp theo.
Đưa nguồn vốn đến dự án, công trình nhanh nhất
Đến hết tháng 8.2022, Thái Bình đứng thứ 2 trong top các địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước, đạt trên 70% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Đóng góp vào kết quả này, trong vai trò cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, KBNN Thái Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi, nhất là trong lĩnh vực thanh toán vốn đầu tư.
Lãnh đạo KBNN Thái Bình cho biết, đơn vị đã quán triệt tới từng công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi phải luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tình hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Đặc biệt, đơn vị tiếp tục thực hiện rút ngắn thời gian kiểm soát chi và linh hoạt áp dụng phương thức "thanh toán trước, kiểm soát sau", "kiểm soát trước, thanh toán sau" đối với từng hồ sơ, thủ tục thanh toán của từng dự án cụ thể; đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư và công khai, minh bạch quá trình xử lý hồ sơ.
Từ nay đến cuối năm, Ninh Bình phấn đấu giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2022 của tỉnh là 6.998 tỷ đồng. Đến hết tháng 8 vừa qua, KBNN Ninh Bình đã kiểm soát thanh toán trên 3.500 tỷ đồng, bằng 56,2% kế hoạch vốn, trong đó thanh toán khối lượng hoàn thành đạt trên 2.600 tỷ đồng, chiếm 76,2% số vốn giải ngân.
Trong những tháng cuối năm, KBNN Ninh Bình nỗ lực đẩy mạnh việc kiểm soát, thanh toán trên dịch vụ công trực tuyến để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, tiếp tục áp dụng linh hoạt 2 phương thức thanh toán là “Thanh toán trước, kiểm soát sau” và “Kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với từng hợp đồng thanh toán để đưa nguồn vốn ngân sách đến các dự án, công trình một cách nhanh nhất.