"Cởi trói" cho Thủ đô phát triển
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) và nhiều đại biểu đồng tình quan điểm cho rằng, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ “cởi trói” cho Thủ đô rộng đường phát triển, mà còn nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thủ đô. Trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012... Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần làm rõ các nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất...
Các đại biểu cũng tán thành về việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy. Ví dụ như phân quyền theo HĐND thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố, quận, huyện, thị xã hay quy định phân quyền trong việc quyết định biên chế tăng thêm trên cơ sở khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định từ nguồn biên chế dự phòng và khả năng cân đối ngân sách của TP. Hà Nội… Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND thành phố, Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án Luật cơ bản tán thành nhưng cũng lưu ý cần quy định những nguyên tắc, trách nhiệm của Thường trực HĐND thành phố tương ứng thẩm quyền được giao.
Nhấn mạnh, sự phát triển của Thủ đô luôn là niềm tự hào của các địa phương trong cả nước, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, Thủ đô của Việt Nam phải đứng sánh vai cùng với thủ đô các nước. Do đó, việc hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ có ý nghĩa cho sự phát triển của Thủ đô mà sẽ lan tỏa, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô không phải chỉ cho riêng Thủ đô, mà phải tính trong tổng thể mối quan hệ ràng buộc hữu cơ với các địa phương ở khu vực, của vùng và của cả nước.
“Yêu cầu này có thể được giải quyết thông qua các nội dung về quy hoạch đặt ra trong dự thảo Luật. Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông, để Thủ đô có thể chia sẻ cho các địa phương nhiều nguồn lực phát triển và nhận lại về sự chia sẻ, đóng góp. Chẳng hạn như việc di dời một số nhà máy, xí nghiệp, các bệnh viện lớn, trường đại học... ra các địa bàn xung quanh để giảm tải cho Thủ đô, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Rõ cơ chế thu hút và sử dụng nhân tài
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút và phát triển nhân tài trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tuy nhiên, đề nghị cần quy định rõ hơn về các chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, phục vụ sự phát triển chung của Thủ đô. Bởi, các nội dung của dự thảo Luật mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng; chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao; chưa thể hiện được tính tự chủ của chính quyền Thủ đô nói chung và về thu hút nhân tài nói riêng...
Các đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với đề nghị trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật là nên bổ sung quy định về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi đã vào làm việc trong hệ thống. Ngoài việc ban hành các chính sách thu hút nhân tài, chính quyền TP. Hà Nội cũng cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm nhân tài hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương...