Truyền hình nhà nước Italy trong một cuộc họp Nội các khẩn cấp, Chính phủ đã nhất trí sẽ bổ nhiệm một ủy viên đặc biệt phụ trách xử lý vấn đề. Ngoài ra, một khoản ngân sách ban đầu trị giá 5 triệu euro (gần 5,5 triệu USD) cũng đã được đưa ra như một phần của biện pháp được Thủ tướng Giorgia Meloni và Nội các của bà phê duyệt.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp Nội các, chính phủ cho biết tình trạng khẩn cấp được coi là cần thiết “để thực hiện các biện pháp đặc biệt khẩn cấp nhằm giảm tình trạng quá tải tại một nơi tạm trú của người di cư trên một hòn đảo nhỏ của Italy ở Địa Trung Hải.
Tuyên bố của chính phủ cho biết cũng cần có “các cấu trúc mới, phù hợp cho cả việc tạm trú cũng như quá trình xử lý và hồi hương những người di cư không có đủ điều kiện để ở lại Italy”.
Trong đại dịch Covid-19, các liên minh cầm quyền của Italy cũng đã áp đặt tình trạng khẩn cấp, cho phép Nội các bắt buộc thực hiện nhiều biện pháp đối phó bằng sắc lệnh, tạm thời bỏ qua quy trình thông thường mà quá trình ban hành vốn mất thời gian.
Hãng thông tấn Italy ANSA dẫn lời Bộ trưởng Chính sách biển và Bảo vệ dân sự Nello Musumeci cho rằng: “Chỉ những biện pháp đơn lẻ của Italy không giải quyết được vấn đề mà cần một giải pháp chung gắn liền với sự can thiệp có ý thức và có trách nhiệm của Liên minh Châu Âu”.
Chính phủ của bà Meloni, giống như một số chính phủ khác trước đây, đã thúc ép các nước EU đoàn kết hơn trong xử lý vấn đề người tị nạn.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, kể từ đầu năm nay, khoảng 31.000 người di cư, được hỗ trợ bằng tàu quân sự hoặc tàu từ thiện của Italy hoặc không cần hỗ trợ, đã nhập cư vào nước này. Con số này gần gấp bốn lần so với khoảng 8.000 của cùng kỳ hai năm trước.
Những khu vực tạm trú của Italy chỉ có sức chứa có khoảng 350-400 người, nhưng những ngày gần đây đã lên tới 3.000 người. Italy đã phải thuê những chiếc phà thương mại rỗng để chuyển hàng trăm người trong số họ đến đảo Sicily hoặc đất liền.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, lượng người di cư lớn nhất đến từ Bờ Biển Ngà, tiếp theo là những người từ Guinea, Pakistan, Ai Cập, Tunisia và Bangladesh.
Trong nhiều năm, hầu hết thuyền của những kẻ buôn lậu miệt mài trên tuyến đường nguy hiểm ở trung tâm Địa Trung Hải đều khởi hành từ phía tây Libya. Nhưng những tháng gần đây đã chứng kiến nhiều chuyến đi bắt đầu từ miền đông Libya hoặc từ Tunisia. Một tuyến đường khác bắt đầu từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đến Calabria hoặc Puglia ở phía nam của Italy.
Quỳnh Vũ
Theo AP