Hội đồng quản trị IMF đưa ra tuyên bố cho biết, quyết định của cơ quan này sẽ cho phép Ai Cập ngay lập tức nhận được khoảng 820 triệu USD như một phần của thỏa thuận đã được công bố hồi đầu tháng về việc nâng khoản vay từ 3 tỷ lên 8 tỷ USD.
Theo tuyên bố, thỏa thuận đạt được sau khi Ai Cập đồng ý với IMF về kế hoạch cải cách tập trung vào việc thả nổi đồng nội tệ, giảm đầu tư công và đưa khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng.
Ai Cập đã thả nổi đồng nội tệ và tăng mạnh lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại hiện đang giao dịch đồng đô la ở mức hơn 47 bảng, tăng từ mức khoảng 31 bảng. Các biện pháp này nhằm chống lại lạm phát tăng vọt và thu hút đầu tư nước ngoài.
Nền kinh tế Ai Cập đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách thắt lưng buộc bụng kéo dài nhiều năm, đại dịch Covid-19, hệ quả từ cuộc chiến tranh ở Ukraine và gần đây nhất là cuộc chiến Israel-Hamas ở Gaza. Các cuộc tấn công của Houthi vào các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đỏ cũng làm giảm doanh thu của Kênh đào Suez, vốn là nguồn thu ngoại tệ chính. Các cuộc tấn công đã buộc giao thông phải rời khỏi kênh đào và xung quanh mũi châu Phi.
“Ai Cập đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế vĩ mô đáng kể và việc giải quyết trở nên phức tạp hơn do những tác động lan tỏa từ cuộc xung đột gần đây ở Gaza và Israel. Sự gián đoạn ở Biển Đỏ cũng đang làm giảm nguồn thu từ kênh đào Suez, vốn là nguồn thu ngoại tệ và doanh thu tài chính quan trọng”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết.
IMF cho biết những cú sốc bên ngoài như vậy, kết hợp với những cải cách bị trì hoãn, đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Ai Cập chậm lại còn 3,8% trong năm tài chính 2022-23 do niềm tin suy yếu và thiếu ngoại tệ, đồng thời được dự đoán sẽ chậm hơn nữa xuống còn 3% trong năm tài chính 2023-2024 trước khi phục hồi lên khoảng 4,5% trong năm 2024-2025, Tuyên bố của IMF cho biết.
Tình trạng mất giá đồng nội tệ và biện pháp tăng suất lãi để hạn chế lạm phát đã tạo thêm khó khăn cho người dân Ai Cập, vốn đang phải vật lộn với giá cả tăng vọt trong những năm qua. Theo số liệu chính thức, gần 30% người dân Ai Cập sống trong nghèo đói.
Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait cho biết xác nhận của ban điều hành IMF “phản ánh tầm quan trọng của các biện pháp khắc phục” mà chính phủ thực hiện.
Trong tháng này, Ai Cập cũng đã ký một thỏa thuận với Liên minh châu Âu, bao gồm gói viện trợ trị giá 7,4 tỷ euro (8 tỷ USD) cho quốc gia Bắc Phi trong vòng 3 năm.
Trong tuyên bố ngày 31.3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, để nhanh chóng bơm những khoản tiền cần thiết vào nền kinh tế đang khó khăn của Ai Cập, EU dự định đẩy việc giải ngân gói viện trợ 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) bằng cách sử dụng thủ tục cấp vốn khẩn cấp, cho phép vượt qua vòng bỏ phiếu bắt buộc tại Nghị viện và các thủ tục khác.
Gói của EU bao gồm các khoản tài trợ trị giá 3 năm và các khoản vay ưu. Hầu hết số tiền, khoảng 5 tỷ euro (5,4 tỷ USD) - được gọi là hỗ trợ tài chính vĩ mô, hay MFA, và sẽ được thanh toán trực tiếp cho Ngân hàng Trung ương Ai Cập.
Rất hiếm khi EU bỏ qua các thủ tục giải ngân, nhưng cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, dự kiến diễn ra từ ngày 6 – 9.6 có thể sẽ làm chậm quá trình giải ngân số tiền trên cho Ai Cập.
Trong nhiều năm, Ai Cập đã dựa vào sự hỗ trợ tài chính, chủ yếu là tiền mặt từ EU. Các quốc gia Liên minh châu Âu lo ngại rằng áp lực kinh tế và xung đột khu vực có thể đẩy nhiều người di cư từ Ai Cập đến các bờ biển châu Âu.