Cùng với quá trình phát triển tổ chức và hoạt động của QH, các cơ quan của QH, bộ máy giúp việc của QH đã không ngừng hoàn thiện, phát triển với các tên gọi khác nhau. Từ năm 1946 - 1962 là Văn phòng Ban thường trực Quốc hội; từ năm 1962- 1981 là Văn phòng UBTVQH; từ năm 1981- 1992 là VPQH và Hội đồng Nhà nước; từ năm 1992 đến nay là VPQH. Hiến pháp 1992 ra đời - hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của QH. VPQH là bộ máy hành chính để phục vụ các cơ quan chính trị; tổ chức và hoạt động của VPQH phụ thuộc vào nhu cầu của QH, các ĐBQH; bộ máy VPQH phân chia theo các mảng công việc… Đây là yếu tố quyết định cho việc củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy phục vụ hoạt động của QH, các cơ quan của QH. Để phù hợp với quy định của Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức Quốc hội, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ/UBTVQH9 quy định về tổ chức, nhiệm vụ của VPQH trong đó quy định rõ vị trí, pháp lý, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, thẩm quyền và cơ chế quản lý cán bộ.
Trước yêu cầu của tình hình mới, trên cơ sở tổng kết hoạt động của QH Khóa XII, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của QH đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ mới, UBTVQH đang chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH và xây dựng Đề án tổ chức và hoàn thiện bộ máy giúp việc của QH, trong đó, tập trung đổi mới, cải tiến các lĩnh vực hoạt động gồm hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tổ chức kỳ họp QH, tổ chức phiên họp UBTVQH, hoạt động tiếp xúc cử tri…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của QH cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan giúp việc của QH. Nhiệm kỳ QH Khóa XIII diễn ra trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Trong công cuộc đổi mới đang triển khai toàn diện, mạnh mẽ, đẩy mạnh sự nghiệp CNH- HĐH đất nước đặt ra cho QH - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân những yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Tại hội thảo, các ý kiến đều khẳng định tính thống nhất trong cơ cấu tổ chức của VPQH, đã thể hiện trong bộ máy hành chính nhà nước hoàn chỉnh với những nguyên tắc hoạt động. Tuy nhiên, trước yêu cầu đặt ra, một số ý kiến đề nghị, nên thành lập Vụ về các phiên họp UBTVQH, phiên họp toàn thể; tham khảo các mô hình thành lập các tổng vụ như Tổng vụ phụ trách quy trình, thủ tục; Tổng vụ Tài chính - Quản trị; Tổng vụ thông tin, nghiên cứu…; nghiên cứu, cân nhắc xu hướng phát triển các vụ chuyên môn giúp việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH thành Văn phòng các Ủy ban…
Các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã thẳng thắn trao đổi, đánh giá thực trạng những nguyên tắc cơ bản trong việc tổ chức bộ máy giúp việc của VPQH trong thời gian qua; kiến nghị những giải pháp tham mưu cho QH, Lãnh đạo QH đổi mới bộ máy giúp việc QH trong thời gian tới với một số cải tiến phương thức hoạt động, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.