Tham dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Trịnh Văn Quyết.
Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, là 1 trong 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Khẳng định xây dựng, giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nội dung trọng tâm của xây dựng Đảng về đạo đức, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trải qua quá trình liên tục học tập, rèn luyện, tu dưỡng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ta đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị; là những tấm gương cao đẹp, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống; nêu cao tinh thần yêu nước, hăng hái đi đầu trong lao động sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu, cống hiến tâm huyết, sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cũng cần nhìn thẳng vào sự thật vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của Nhân dân.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh, có nhiều bất định, rủi ro khó lường; các thế lực thù địch, phản động lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để đẩy mạnh bôi xấu, xuyên tạc, tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, “chúng ta càng ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ cơ sở khoa học của việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, trong đó cần lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức người cách mạng là nền tảng tư tưởng, cơ sở thế giới quan và phương pháp luận để xây dựng; phân tích, đánh giá thực trạng việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay; chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề xuất các định hướng, giải pháp xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Các tham luận, ý kiến trao đổi tại Hội thảo cũng nhấn mạnh đến đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và đấu tranh chống lại các biểu hiện lạc hậu, trì trệ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Các đại biểu cho rằng, việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên cần bảo đảm tính cách mạng, khoa học, phổ quát, tường minh, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ học tập, dễ kiểm tra, giám sát, trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và tổ chức thực hiện trong toàn thể cán bộ, đảng viên.