Hội nghị Khí hậu Bonn là gì?
Khoảng 6.000 đại biểu, chủ yếu đến từ các phái đoàn quốc gia và các nhóm xã hội dân sự, sẽ gặp nhau tại Bonn từ ngày 3 - 13.6 như một cuộc họp chuẩn bị cho COP29, còn được gọi là cuộc họp “tiền-COP”. Các cuộc họp giữa kỳ này được tổ chức bởi Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tại trụ sở chính để bảo đảm rằng mỗi kỳ COP có thể tiếp tục giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề cấp bách nhất. Đây là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường xuyên duy nhất mà UNFCCC tổ chức.
Tại Bonn các bên sẽ thảo luận cơ chế thực hiện các cam kết được đưa ra tại COP trước; đồng thời bàn bạc về ngôn ngữ, nội dung cho các dự thảo tại COP tới. Những thảo luận này sau đó được đệ trình dưới dạng khuyến nghị chính thức tại COP tiếp theo.
Các vấn đề được thảo luận tại Bonn năm nay bao gồm: tài chính khí hậu, kế hoạch hành động khí hậu quốc gia của các quốc gia, bảo đảm sự chuyển đổi công bằng khỏi nhiên liệu hóa thạch và các kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia. Kết quả của các cuộc đàm phán này sẽ có ảnh hưởng lớn đến các quyết định được đưa ra tại COP29 vào tháng 11 này.
Đây cũng sẽ là cơ hội để chứng kiến Tổng thống Azerbaijan Muktar Babayev, Chủ tịch COP29 chứng tỏ khả năng ngoại giao của ông trong việc giải quyết các vấn đề nhạy cảm. Chính vì vậy tại Bonn lần này, phái đoàn từ Azerbaijan đông gấp đôi các nước khác.
Tài chính khí hậu một lần nữa được chú trọng
Tại COP29 vào tháng 12 tới, các quốc gia sẽ phải thống nhất về mục tiêu hỗ trợ tài chính mới cho các quốc gia phía Nam, viện trợ dành cho quá trình chuyển đổi năng lượng và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của họ. Hội nghị cũng cần xác định hình thức tài chính này được thực hiện, theo hình thức trợ cấp hay cho vay. Đây cũng là vấn đề số một của cuộc họp ở Bonn.
Những quốc gia nghèo dễ bị tổn thương hơn trước biến đổi khí hậu trong khi họ lại không phải là các nước phát thải nhiều. Họ mong đợi những lời hứa viện trợ đáng tin cậy từ các nước giàu, nhưng việc đưa ra một con số vượt xa mục tiêu 100 tỷ USD hiện tại rất khó đạt được.
Hiện Mỹ và Liên minh châu Âu tỏ ra miễn cưỡng trong việc đóng góp. Họ cho rằng Trung Quốc và các nước dầu mỏ vùng Vịnh, vốn không còn được coi là các nước đang phát triển, cũng phải có trách nhiệm tài chính của mình.
Số phận của trẻ em trước biến đổi khí hậu
Lần đầu tiên tại hội nghị Bonn, một cuộc họp cụ thể sẽ được tổ chức để giải quyết vấn đề quỹ khí hậu cụ thể dành riêng cho nhu cầu của trẻ em. Trên thực tế, trẻ em là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Số trẻ em phải đối mặt với nạn đói cấp tính do thời tiết khắc nghiệt đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua. Đây là phát hiện đáng báo động trong một nghiên cứu được tổ chức phi chính phủ Save the Children công bố tuần trước. Tại 18 quốc gia có hạn hán, lốc xoáy và lũ lụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến tình trạng mất an ninh lương thực, 33 triệu trẻ em hiện đang trong cảnh đói ăn, trong khi con số này chỉ là 13 triệu vào năm 2018.
Kế hoạch khí hậu quốc gia và cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch
Một điểm quan trọng khác là Liên Hợp Quốc đang yêu cầu tất cả các nước vào đầu năm tới phải nộp Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) - kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm phát thải khí nhà kính - một nhiệm vụ to lớn liên quan đến mọi thành phần của nền kinh tế và rất khó để đạt được. Tuy nhiên, điều đó là cần thiết nếu nhân loại muốn bảo đảm một hành tinh có thể sống được trong vòng vài thập kỷ tới. Hội nghị Bonn sẽ là cơ hội để thảo luận sâu hơn về việc tích hợp các cam kết về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch đạt được tại COP28 vào các NDC của các quốc gia trước khi chúng được hoàn tất.