Dự thảo hiện tại đang được đàm phán sẽ yêu cầu một lệnh “tạm ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức” trên khắp Dải Gaza cung cấp cho dân thường những viện trợ rất cần thiết. Dự thảo nghị quyết cũng yêu cầu “tất cả các bên” tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ dân thường, đặc biệt là bảo vệ trẻ em và cấm bắt giữ con tin.
Tuy nhiên, dự thảo do thành viên Malta đề xuất, không đề cập đến một lệnh ngừng bắn; đồng thời cũng không đề cập đến cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel vào ngày 7.10 và cũng không nêu ra các cuộc không kích trả đũa của Israel và cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Gaza.
HĐBA LHQ gồm 15 thành viên, cơ quan chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đã không thể thúc đẩy thông qua một nghị quyết về cuộc chiến này do tình trạng chia rẽ nội bộ, đặc biệt giữa Trung Quốc-Nga, hai nước muốn ngừng bắn ngay lập tức và Hoa Kỳ, nước chỉ kêu gọi tạm dừng vì lý do nhân đạo nhưng phản đối bất kỳ đề cập nào đến lệnh ngừng bắn.
Trước đó, HĐBA đã 4 lần nỗ lực thông qua một nghị quyết nhưng thất bại. Đầu tiên là một nghị quyết do Brazil soạn thảo đã bị Hoa Kỳ phủ quyết, một nghị quyết do Mỹ soạn thảo đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết, và hai nghị quyết do Nga soạn thảo đã không đạt được tối thiểu 9 phiếu “đồng ý” cần thiết để được thông qua.
Một số nhà ngoại giao tại cơ quan này cho biết, quan điểm của các nước đang gần với nhau hơn. Một cuộc bỏ phiếu về dự thảo mới nhất có thể diễn ra sớm nhất là vào ngày 15.11 nhưng các phái đoàn ngoại giao vẫn đang trao đổi với Chính phủ của họ.
Nghị quyết đang được xem xét yêu cầu việc tạm ngừng bắn nhân đạo phải diễn ra “trong một số ngày vừa đủ” để mở hành lang cho LHQ, Hội Chữ thập đỏ và các nhân viên cứu trợ khác tiếp cận không bị cản trở để cung cấp nước, điện, nhiên liệu, thực phẩm và vật tư y tế cho tất cả những người có nhu cầu. Nghị quyết cũng yêu cầu việc ngừng bắn nhân đạo cũng sẽ cho phép sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu và tạo điều kiện cho các nỗ lực cứu hộ và phục hồi khẩn cấp.
Sau khi HĐBA không thể thông qua dự thảo nghị quyết lần thứ 4, các quốc gia Ảrập đã quay sang thúc đẩy một nghị quyết ở Đại hội đồng gồm 193 thành viên và đã thành công trong việc nhận được sự tán thành rộng rãi đối với nghị quyết kêu gọi “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo” ở Gaza nhằm chấm dứt thù địch giữa Israel và Hamas. Đây là phản ứng đầu tiên của LHQ đối với cuộc chiến. Nhưng không giống như các nghị quyết của HĐBA, các nghị quyết của Đại hội đồng không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, mặc dù chúng là thước đo dư luận thế giới.
Nghị quyết của Đại hội đồng đã được thông qua vào ngày 27.10 với 120 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng. Trong số 5 thành viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết, Nga, Trung Quốc và Pháp bỏ phiếu ủng hộ, Mỹ bỏ phiếu chống và Anh bỏ phiếu trắng. Israel sau đó đã đồng ý tạm ngừng bắn 4 tiếng vào ngày 9.11. Nhưng chỉ có viện trợ rất hạn chế được chuyển đến Gaza thông qua cửa khẩu Rafah từ Ai Cập, và một thảm họa nhân đạo đang dần hình thành.