Khó có quy trình, thủ tục giống nhau trong hoạt động thanh tra
Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010, đã có nhiều quy định cụ thể về hoạt động thanh tra, trong đó có thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, với trình tự, thủ tục chặt chẽ, nhằm bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả. Các cơ quan thanh tra bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước của các địa phương, bộ ngành để tiến hành các cuộc thanh tra. Luật hiện hành cũng đã quy định hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành có một số trình tự thủ tục riêng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động thanh tra chuyên ngành hiện có hai loại khác nhau. Loại thứ nhất được tiến hành theo trình tự, thủ tục hoàn toàn giống như thanh tra hành chính. Ngược lại, nhiều hoạt động của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành lại được thực hiện dưới hình thức kiểm tra (Luật Thanh tra gọi là hình thức thanh tra thường xuyên). Như vậy, hoạt động thanh tra chuyên ngành do thanh tra Bộ tiến hành được thực hiện giống như hoạt động thanh tra hành chính và việc quy định trình tự, thủ tục riêng biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành là không thực sự cần thiết. Do đó, nội dung về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được Chính phủ xây dựng theo hướng tiến hành trình tự, thủ tục như nhau.
Từ góc độ thực tiễn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nhận thấy, thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra nội bộ trong phạm vi quản lý trực tiếp của người lãnh đạo đối với những cá nhân, tổ chức trực thuộc, liên quan trực tiếp tới việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Còn thanh tra chuyên ngành là thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành, việc chấp hành các quy định về chuẩn kỹ thuật, về chuyên môn nghiệp vụ của một ngành, lĩnh vực nhất định, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Chính vì vậy, hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành có những sự khác biệt nhất định về tính chất, mục đích; cơ quan có thẩm quyền tiến hành. Thậm chí, cùng là thanh tra chuyên ngành cũng có yêu cầu khác nhau, cho nên khó có thể có một quy trình, thủ tục giống nhau chung cho cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Ảnh: Trung Thành
Cân nhắc quy định thanh tra huyện
Về mô hình tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, dự thảo Luật lần này cơ bản giữ hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và thanh tra huyện. Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiếp công dân (đối với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh), lược bỏ quy định thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước khi xét thấy cần thiết được ra quyết định thanh tra, thành lập Đoàn thanh tra.
Một số đại biểu tán thành với hướng dự kiến của Chính phủ và cho rằng, hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như vậy bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý: “Ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại đề nghị, cần xem xét toàn diện mô hình tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính cả về phương diện lý luận và nhìn từ góc độ hiệu quả trong thực tiễn vận hành.
Từ thực tế sự vận hành thiếu hiệu quả của thanh tra huyện, như công việc không đáng kể, biên chế lại rất ít, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng, cần cân nhắc việc tổ chức thanh tra huyện. Lý lẽ là bởi, quy định về tổ chức bộ máy của thanh tra cũng phải đồng bộ với luật khác cùng điều chỉnh các hoạt động có liên quan. Ví dụ như Luật Phòng, chống tham nhũng, thì chức năng nổi bật nhất của cơ quan thanh tra là về kiểm soát tài sản, thu nhập... Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần cải tổ mạnh mẽ hơn trong mô hình tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính.
Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) là một trong các nhiệm vụ nằm trong Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, đã được Bộ Chính trị thông qua tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự luật, các đại biểu tham dự Phiên họp đề nghị, cơ quan trình cần tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật. Đó là “tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước theo cấp hành chính, đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra các bộ, ngành phù hợp với ngành, lĩnh vực, phân biệt giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành, giữa thanh tra và kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý”. Đồng thời, rà soát kỹ các văn kiện, nghị quyết của Đảng, quy định có liên quan cũng như tổng kết, đánh giá toàn diện, bổ sung đánh giá tác động cụ thể hơn đối với các chính sách mới, chính sách đã có sự thay đổi… nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi, khắc phục bất cập, vướng mắc đã chỉ ra trong thực tế thi hành Luật Thanh tra.