Phương thức bầu Hạ viện
Theo những quy định mới về bầu cử trong khuôn khổ Hiến pháp 2017, 500 thành viên của Hạ viện có nhiệm kỳ 4 năm được bầu theo hệ thống bầu cử hỗn hợp. Nếu trước kia, các cử tri có hai lá phiếu để bầu các thành viên Hạ viện, một bầu cho cá nhân ứng cử viên theo đơn vị bầu cử (đơn vị bầu cử 1 thành viên), và một bầu cho danh sách đảng chính trị. Nhưng theo hệ thống bầu cử mới, các cử tri chỉ có 1 lá phiếu để bầu vừa cho cá nhân ứng cử viên, vừa cho danh sách đảng. Cụ thể, các cử tri sẽ bầu 350 ghế hạ nghị sĩ (tương ứng với 350 đơn vị bầu cử là 350 quận) theo phương thức đa số tuyệt đối 1 vòng. Ứng cử viên nào dành được đa số tuyệt đối sẽ được trúng cử. Còn 150 ghế còn lại của Hạ viện sẽ được bầu theo danh sách đảng phái, nhưng cũng căn cứ trên tổng số phiếu mà đảng đó vừa nhận được. Có nghĩa, cứ 1 phiếu mà ứng cử viên của đảng nào đó dành được trong khi bầu 350 nghị sĩ, cũng được tính là 1 phiếu giành cho đảng đó trong cuộc bầu chọn 150 thành viên còn lại. Số ghế còn lại của một đảng được tính bằng tổng số phiếu đảng đó giành được trong cuộc tổng tuyển cử nhân với tổng số ghế Hạ viện trừ đi số ghế mà đảng đó đã có được trong quá trình bầu chọn 350 ghế đầu tiên. Ví dụ, trong cuộc bầu cử năm 2019, đảng Pheu Thai (đảng Vì nước Thái) thân cựu Thủ tướng Thaksin giành được 190/350 ghế ở danh sách 1, tương đương với 44,9% số phiếu. Như vậy, số ghế của đảng này có được theo danh sách 2 sẽ bằng số phiếu nhân với tổng số hạ nghị sĩ trừ đi số ghế đã giành được ở danh sách 1 (44,9% x 500 - 190) tương đương với 34/150 ghế.
Đêm ngày 5.6.2019, Quốc hội Thái Lan đã bầu Thủ tướng Prayut Chan-ocha, ứng cử viên của liên minh do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath) lãnh đạo, làm Thủ tướng thứ 30 của Vương quốc này. Ông Prayut Chan-ocha nhận được 500 phiếu ủng hộ trong phiên họp của lưỡng viện Quốc hội, bỏ xa số phiếu 244 mà ứng cử viên Thanathorn Juangroongruangkit, thủ lĩnh đảng Tương lai mới, nhận được. Phiên họp lưỡng viện Quốc hội Thái Lan bắt đầu từ 11h sáng và kéo dài 12 tiếng, tới gần nửa đêm mới bắt đầu bầu Thủ tướng. Tổng cộng 747 nghị sĩ có mặt tại phiên họp đầu tiên của lưỡng viện Quốc hội Thái Lan. Có 3 nghị sĩ bỏ phiếu trắng, trong đó có 2 phiếu trắng của Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Thái Lan bởi theo truyền thống thì Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện không tham gia bầu Thủ tướng. Thủ lĩnh đảng Tương lai Mới Thanathorn Juangroongruangkit - đối thủ duy nhất của ông Prayut Chan-ocha trong cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng - nhận được sự ủng hộ của đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) và một số đảng khác phản đối ông Prayut Chan-ocha. Tuy nhiên, bản thân ông Thanathorn Juangroongruangkit lại không được tham gia bỏ phiếu do bị Tòa án Hiến pháp tạm đình chỉ tư cách hạ nghị sĩ để chờ phán quyết về cáo buộc sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông khi vận động tranh cử. Hai người khác không tham gia bỏ phiếu là cựu Chủ tịch đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva vừa từ chức và một hạ nghị sĩ của đảng Tương lai mới bị ốm. |
Phương thức bầu Thượng viện
Điều khoản tạm thời của Hiến pháp năm 2017 quy định, thời gian đầu, Thượng viện Thái Lan là một cơ quan phi đảng phái gồm 250 thành viên với nhiệm kỳ 5 năm. Việc tuyển chọn các thượng nghị sĩ được thực hiện bởi Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO - chính quyền quân sự Thái Lan được thành lập để điều hành đất nước sau cuộc đảo chính năm 2014) theo quy trình chọn lựa và bổ nhiệm như sau: 50 thượng nghị sĩ được bầu sau một quá trình thương lượng liên nhóm giữa các nhóm xã hội và chuyên gia khác nhau; 194 thượng nghị sĩ do Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) lựa chọn trực tiếp và 6 đại biểu còn lại dành cho người đứng đầu 3 binh chủng trong lực lượng vũ trang (lục quân, hải quân và không quân), Tổng tham mưu trưởng quân đội cấp cao, Thư ký thường trực Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Cảnh sát quốc gia.
Ứng viên chức danh thượng nghị sĩ được chỉ định phải đủ các tiêu chuẩn sau đây: Là công dân được sinh ra tại Thái Lan; có độ tuổi trên 40; có ít nhất 1 bằng tốt nghiệp Đại học.
Ứng viên chức danh thượng nghị sĩ thông qua bầu cử phải đủ các tiêu chuẩn sau đây: là công dân được sinh ra và lớn lên tại địa phương nơi được bầu; không có vợ/chồng hoặc con là thành viên trong Hạ viện hoặc nắm chức vụ của bất kỳ đảng phái chính trị nào. Ngoài ra, trong vòng 5 năm, không được là thành viên của bất kỳ đảng phái chính trị nào, không được là thành viên của Hạ viện, không được giữ bất kỳ chức vụ nào trong các cơ quan Chính phủ cũng như địa phương.
Ngày 14.5.2019, Công báo Hoàng gia đã đăng danh sách 250 thượng nghị sĩ được Hoàng gia phê chuẩn. Đây là lần đầu tiên Thượng viện được tái lập sau khi cơ quan này bị giải thể năm 2014 bởi cuộc đảo chính quân sự.
Phương thức bầu thủ tướng
Theo quy trình bầu Thủ tướng năm 2011 (tức là trước Hiến pháp 2017 và trước thời kỳ đảo chính), lúc đó, Thượng viện không tham gia bầu Thủ tướng. Ứng cử viên Thủ tướng phải là hạ nghị sĩ và chức danh này chỉ do Hạ viện bầu.
Theo Hiến pháp mới, cả Thượng viện và Hạ viện sẽ tham gia bầu Thủ tướng. Ứng cử viên thủ tướng phải là người do một đảng chính trị đề cử. Mỗi đảng chính trị có thể đề cử tối đa 3 ứng cử viên cho chức Thủ tướng trước cuộc bầu cử. Những ứng cử viên này không nhất thiết phải là thành viên của Hạ viện hay thành viên của một đảng chính trị miễn là họ đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý. Ứng cử viên đó sẽ bị mất tư cách nếu sau cuộc bầu cử Hạ viện, đảng đề cử họ không giành được ít nhất 5% trong tổng số 500 ghế của Hạ viện.
Một ứng cử viên sẽ trở thành Thủ tướng nếu dành được 50% + 1 phiếu của Quốc hội (gồm Hạ viện và Thượng viện). Quốc hội Thái Lan gồm 750 ghế (500 Hạ viện và 250 Thượng viện), như vậy một ứng cử viên sẽ cần phải có 376 phiếu ủng hộ để được bầu làm Thủ tướng.
Tuy nhiên, với việc phần lớn các thượng nghị sĩ do NCPO thân quân đội chỉ định, điều khoản này đã giúp cho Tướng Prayut Chan-ocha, người tiến hành cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ chính quyền của bà Yingluck Shinawatra và nắm giữ chức Thủ tướng tạm quyền Thái Lan từ năm 2014 - 2019, dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn thủ tướng mới.