Chính phủ ở Singapore được mô phỏng theo hệ thống Westminster, với 3 nhánh riêng biệt: nhánh lập pháp (bao gồm Tổng thống và Quốc hội), Hành pháp (bao gồm các Bộ trưởng Nội các, người giữ chức vụ do Thủ tướng lãnh đạo) và Tư pháp. Cơ quan lập pháp chịu trách nhiệm ban hành luật. Cơ quan hành pháp quản lý hoạt động của Chính phủ trên cơ sở luật pháp. Cơ quan tư pháp giải thích luật pháp thông qua Tòa án. Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ và Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia.
Mặc dù áp dụng mô hình Westminster song Quốc hội Singapore là cơ quan lập pháp đơn viện, không có Thượng viện hay Viện Nguyên lão. Hiện tại, Hiến pháp Singapore và các luật khác quy định, Quốc hội có thể có tối đa 105 nghị sĩ, trong đó, 93 người là do cử tri bầu (EMP), 12 nghị sĩ không theo khu vực bầu cử (NCMP) và tối đa 9 nghị sĩ được chỉ định (NMP) do Tổng thống bổ nhiệm.
Cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7.2020 đã bầu 95 nghị sĩ của Quốc hội Khóa 14, bao gồm 93 nghị sĩ được bầu, 2 nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử và có 9 nghị sĩ được chỉ định. Những nghị sĩ được chỉ định được lựa chọn sau khi Quốc hội khóa mới nhóm họp bắt đầu vào ngày 24.8.2020. Việc đưa nghị sĩ được chỉ định vào trong thành phần của Quốc hội đã giúp Quốc hội có thể tận dụng được tài năng và chuyên môn của những công dân Singapore không hoặc chưa có điều kiện tham gia ứng cử nghị sĩ.
Nhiệm kỳ của nghị sĩ là 5 năm tính từ phiên họp đầu tiên sau tổng tuyển cử và không có giới hạn về số lần ứng cử. Trong trường hợp Quốc hội bị giải tán, tổng tuyển cử phải được tổ chức trong vòng 3 tháng. Cho đến tháng 11.2024, số lượng nghị sĩ của Singapore chỉ còn 87 vì nhiều lý do.
Không giống như nhiều cơ quan lập pháp trên thế giới yêu cầu nghị sĩ không được giữ chức vụ bên ngoài, Singapore cho phép bất kỳ nghị sĩ nào (thuộc đảng cầm quyền hoặc đảng đối lập), không kiêm nhiệm chức vụ trong Nội các, đều được tự do giữ chức vụ toàn thời gian ở khu vực tư nhân cũng như giữ các vị trí điều hành, cố vấn và giám đốc trong các công ty tư nhân hay các tổ chức phi chính phủ. Cụ thể tại Singapore, các nghị sĩ không kiêm nhiệm thường được tuyển dụng trong khu vực tư nhân hoặc thậm chí có thể điều hành doanh nghiệp tư nhân của riêng mình với tư cách là một doanh nhân. Các quy tắc liên quan đến xung đột lợi ích trong Quốc hội không được xác định bởi các quy tắc ứng xử của Quốc hội mà thay vào đó, các đảng phái chính trị tự xác định quy tắc ứng xử cho các đại diện của họ trong Quốc hội. Chẳng hạn, quy tắc nội bộ của đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền của Singapore quy định rằng các nghị sĩ của đảng "không được sử dụng vị trí chính trị của mình để bảo vệ lợi ích của các công ty hoặc vận động hành lang". Về bản chất, các quy tắc của đảng PAP xác định rõ ràng rằng một nghị sĩ "không được lợi dụng" vị trí công tác của mình để làm lợi cho cá nhân.
Nghị sĩ được lựa chọn qua bầu cử (Elected Members – EMP)
Đa số các nghị sĩ là EMP thông qua một cuộc tổng tuyển cử. Pháp luật về bầu cử của Singapore không ấn định số nghị sĩ cũng như lượng đơn vị bầu cử mà sẽ phụ thuộc vào tuyên bố của Thủ tướng trước mỗi kỳ bầu cử, phù hợp với quy định của Luật Bầu cử lập pháp, trên cơ sở khuyến nghị của Ủy ban Đánh giá ranh giới bầu cử. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử lập pháp tháng 7.2020, Singapore được chia thành 31 khu vực bầu cử, trong đó có 14 khu vực bầu cử một thành viên (Single Member Constituency - SMC), tức chỉ bầu một nghị sĩ, mỗi đảng chỉ được cử một ứng viên tham gia tranh cử; và 17 khu vực bầu cử theo nhóm nghị sĩ (Group Representation Constituency - GMC), trong đó mỗi chính đảng được đề cử một nhóm ứng viên (không ít hơn 3 và không nhiều hơn 6) tham gia tranh cử, trong đó bắt buộc phải có một ứng viên là người sắc tộc thiểu số (Mã Lai, Ấn Độ hoặc các cộng đồng thiểu số khác). Yêu cầu này bảo đảm rằng các chủng tộc thiểu số sẽ được đại diện trong Quốc hội.
Nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử (Non-Constituency Members - NCMP)
Quy chế “nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử” được đưa vào Hiến pháp từ năm 1984 theo đó, một số ứng cử viên của các đảng đối lập hoặc đảng không nằm trong liên minh cầm quyền, không giành được ghế trong cuộc bầu cử, có thể được chọn làm nghị sĩ. Số NCMP phải ít hơn 12, là số nghị sĩ đối lập tối thiểu có mặt tại Quốc hội. Quy định này nhằm bảo đảm sẽ có một số lượng tối thiểu đại diện đối lập trong Quốc hội và các quan điểm khác với Chính phủ có thể được thể hiện tại Quốc hội.
Để trở thành một NCMP, ứng cử viên đó phải giành được không dưới 15% số phiếu bầu hợp lệ trong cuộc tổng tuyển cử. Quốc hội sẽ chọn các nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử theo số phiếu bầu đạt tiêu chuẩn được lấy từ trên xuống.
Nghị sĩ do chỉ định (Nominated Members - NMP)
Một điều khoản sửa đổi Hiến pháp đã được ra đời vào năm 1990 cho phép Quốc hội chỉ định tối đa 9 thành viên không qua bầu cử. Quy định này nhằm bảo đảm sự đại diện rộng rãi cho các quan điểm của cộng đồng trong Quốc hội, đồng thời giúp Quốc hội có thể tận dụng được tài năng và chuyên môn của những công dân Singapore không hoặc chưa có điều kiện tham gia ứng cử nghị sĩ.
Trước đây, trong vòng 6 tháng sau khi Quốc hội nhóm họp lần đầu tiên sau bất kỳ cuộc tổng tuyển cử nào, Quốc hội phải quyết định xem sẽ có bất kỳ NMP nào trong nhiệm kỳ đó hay không. Nhưng từ ngày 1.7.2010, một sửa đổi trong Nội quy đã yêu cầu bất kỳ khóa Quốc hội nào cũng sẽ phải chọn NMP. Một Ủy ban Lựa chọn đặc biệt của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội chủ trì sẽ được thành lập. Ủy ban này chịu trách nhiệm xem xét các đề cử từ công chúng. Tổng thống sẽ bổ nhiệm không quá 9 NMP theo đề nghị của Ủy ban Lựa chọn đặc biệt. Theo các quy tắc về nhiệm kỳ của các nghị sĩ Quốc hội nói chung, NMP phục vụ trong nhiệm kỳ hai năm rưỡi.
Những người được đề cử phải là những người đã có đóng góp quan trọng phục vụ công chúng hoặc đã mang lại vinh dự cho Singapore, hoặc đã thể hiện mình trong lĩnh vực nghệ thuật và văn học, văn hóa, khoa học, kinh doanh, công nghiệp, nghề nghiệp, dịch vụ xã hội hoặc cộng đồng hoặc phong trào lao động; và khi đề cử bất kỳ ai, Ủy ban lựa chọn đặc biệt phải xem xét đến nhu cầu của NMP để bảo đảm cơ cấu về lãnh thổ, giới tính, lĩnh vực, nhất là có thể bảo đảm các quan điểm độc lập và phi đảng phái.
Hai nghị sĩ được chỉ định đầu tiên tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.12.1990 là Giáo sư tim mạch Maurice Choo và Giám đốc điều hành công ty Leong Chee Whye.
Các nghị sĩ được chỉ định có thể tham gia vào tất cả các cuộc tranh luận tại Quốc hội, nhưng không được quyền bỏ phiếu trong các trường hợp sau: các dự luật sửa đổi Hiến pháp; các dự luật tài chính; bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ; và cách chức Tổng thống; Chủ tịch Quốc hội.