Thống kê cho thấy, tình hình sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành như sau: chế tạo ô tô tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 5-20%; điện tử tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 5-10%; da giầy tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 30%; dệt may tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 30%; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao tỷ lệ nội địa hóa khoảng 1-2%; cơ khí chế tạo khác tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15-20%.
Từ hạn chế về việc nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dẫn tới khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hằng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD (riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35-50 tỷ USD). Đặc biệt, chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp trong nước đang tham gia sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
HANSIBA cho rằng đây là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số nước ngay trong khối ASEAN. HANSIBA cũng đánh giá định hướng và tầm nhìn trong các chủ trương chính sách vĩ mô của nhà nước là đúng đắn. Tuy nhiên việc ban hành cơ chế chính sách để các chủ trương đi được vào đời sống doanh nghiệp lại chưa kịp thời.
Mặt khác, HANSIBA cho rằng Việt Nam tham gia sâu vào các hiệp định kinh tế đa phương, song phương với các nước có nền công nghiệp đã phát triển nên đây vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức với doanh nghiệp trong nước. Nếu các doanh nghiệp không tự đổi mới cùng với sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế và không kịp thời sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp vốn đã yếu sẽ càng yếu trong sản xuất kinh doanh.
Một thực tế nữa được HANSIBA đề cập đến đó là doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, không chú trọng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và phần lớn các doanh nghiệp đang chỉ nhìn thấy khó khăn quá lớn khi tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Để duy trì lợi thế cạnh tranh ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là cho các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa Việt Nam, thứ nhất, HANSIBA đề xuất Chính phủ cần sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội và ban hành trong thời gian nhanh nhất.
Thứ hai, HANSIBA đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước với sự tham gia của một số bộ/ban/ngành, đại diện tỉnh, thành phố, đại diện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỉ trọng 5%-10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ tư, cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế (Bắc – Trung – Nam) để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tránh tình trạng “nhà nhà” phát triển – “ tỉnh tỉnh, thành phố” phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh không cần thiết. Phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì như ô tô, điện tử, công nghiệp đóng tàu, nông ngư nghiệp, da giày, dệt may...
Thứ năm, cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp), vì các quy định về điều kiện vay vốn (tài sản đảm bảo tiền vay, vốn đối ứng của chủ đầu tư, lãi suất vay, thời gian vay) vẫn còn trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Thứ sáu, Nhà nước cần có quy hoạch và chính sách cụ thể để hỗ trợ hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu tại 3 miền Bắc – Trung - Nam, hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao, hỗ trợ công nghệ khi nhập khẩu các thiết bị cũ đã qua sử dụng nhưng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và Việt Nam, chính sách thuế, đầu ra cho sản phẩm để trực tiếp dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sản xuất.
Thứ bảy, cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài (đặc biệt chú trọng vào Nhật Bản, Hoa Kỳ cùng các nước công nghiệp phát triển) để có khả năng sản xuất, liên kết tham giá chuỗi sản xuất toàn cầu.
Thứ tám, việc kết nối các doanh nghiệp tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, thúc đẩy và “kèm cặp” để các doanh nghiệp FDI này cũng đặt hàng. Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cấp cho họ để từ đó các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
Thứ chín, vấn đề khởi nghiệp đã được Nhà nước cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong nhiều Hội nghị. Nhưng đối với ngành công nghiệp hỗ trợ thì doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi tạo là đặc biệt then chốt để phát triển. Cần có chính sách ưu đãi cụ thể khuyến khích các thanh niên Việt Nam đã học tập, làm việc tại các công ty, các quốc gia có nền công nghiệp hỗ trợ phát triển để họ khởi nghiệp trở thành các doanh nhân, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ 100% Việt Nam.