Trong thời gian qua, Đảng, QH và Chính phủ đã cam kết cổ phần hóa DNNN chất lượng, nhanh chóng bằng các nghị quyết, nghị định, quyết định, ban hành chủ trương tuân thủ pháp lý nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia vào quá trình cổ phần hóa, nhất là nhà đầu tư chiến lược; mở rộng hành lang pháp lý cho khối DN tư nhân tham gia cạnh tranh vào các khu vực truyền thống, vốn thường chịu sự cạnh tranh của DNNN. Trong quá trình cổ phần hóa DN, Chính phủ đã đạt được các mục tiêu thu hút nguồn tài chính cho DN, tăng cơ hội phát triển cho các DN cổ phần hóa, giảm trợ cấp cho DNNN làm ăn thua lỗ, tạo nguồn thu cho NSNN từ việc bán cổ phần DNNN, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, giảm bớt sự tham gia của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại các DN cơ bản thực hiện đúng quy định pháp luật. Ngoài nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, các DNNN còn thực hiện tốt nhiệm vụ thực hiện chính sách an sinh xã hội theo chỉ đạo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu (9.500 tỷ đồng).
Tuy đã đạt được nhiều kết quả như báo cáo đã nêu, song quá trình cổ phần hóa DNNN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN, dù có nhiều cơ chế, chính sách, nhưng nhiều DNNN vẫn chưa thực sự là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư; không ít DN và dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ, thất thoát. Cơ chế kiểm soát giám sát việc thực hiện quyền, lợi ích của các cơ quan và người đại diện chủ sở hữu Nhà nước còn nhiều bất cập. Tổng tài sản nhà nước tại các DN 100% vốn Nhà nước và DNNN giữ cổ phần là khá lớn, cần đẩy mạnh lộ trình thoái vốn Nhà nước tại DN.
Với số tiền đầu tư dàn trải vào nhiều DN, lĩnh vực và do nhiều cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu khiến công tác kiểm soát, quản lý tài chính gặp nhiều khó khăn. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát trong việc đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước, cũng như tình trạng hoạt động kém hiệu quả của nhiều DNNN.
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) |
Ảnh: Quang Khánh |
Vốn Nhà nước nằm tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không tính trong các DN cổ phần (1,4 triệu tỷ đồng) là nguồn lực lớn, nếu không được quản lý chặt chẽ, vốn Nhà nước sẽ thất thoát, lãng phí, nhưng rất khó trong quy trách nhiệm cụ thể trong xem xét, đánh giá.
Vấn đề xác định giá trị DN trong cổ phần theo phương pháp định giá bằng tài sản có nhiều nguyên nhân phản ánh giá trị DN không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước. Kết quả kiểm toán năm 2016 của KTNN về định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước cổ phần hóa của DN đã xác định vốn Nhà nước tăng thêm 2.818 tỷ đồng. Số liệu này là minh chứng cho kẽ hở của định giá DN vừa qua. Việc thiếu công khai, minh bạch thông tin DN trong công bố 9 báo cáo định kỳ của DNNN cũng là lực cản cho cổ phần hóa.
Việc công khai, minh bạch thông tin về DN là rất quan trọng, nhằm hỗ trợ việc giám sát việc thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, thu hút các nhà đầu tư trong cổ phần hóa. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu năm 2017, có 241 DN đã công bố thông tin theo Nghị định 81/2015, chiếm 31,8% DN phải công khai thông tin, song bình quân cũng chỉ công bố 4/9 nội dung phải báo cáo của DN. Việc thiếu công khai, minh bạch là môi trường thuận lợi để nảy sinh các hiện tượng tiêu cực như đầu cơ, thao túng giá, thôn tính DN bất hợp pháp.
Tôi cơ bản nhất trí với các kiến nghị trong dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát. Song, việc định giá DN cần quy định cụ thể hơn nữa, nhằm tôn trọng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của DN và nhà đầu tư, nhằm không thất thoát vốn Nhà nước, thu hút nhà đầu tư tham gia. Các phát hiện, đề xuất qua kiểm toán cần được tập hợp thành bộ tài liệu về định giá thông tin DNNN trong quá trình cổ phần hóa.
Bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa về việc triển khai các thông tin liên quan đến hoạt động của DNNN sẽ cổ phần hóa và quyền được tiếp cận thông tin của nhà đầu tư. Cụ thể, việc công bố danh mục DN dự kiến sẽ cổ phần hóa trên cổng thông tin của Chính phủ; DN được cổ phần hóa phải thực hiện nghiêm túc lộ trình đã phê duyệt; siết chặt việc bảo đảm chất lượng công bố thông tin của DNNN.
Chính phủ phải làm rõ và trình ra QH về tài sản công có tính thương mại hiện nay là bao nhiêu, đang ở những DN nào? Loại tài sản công nào sinh lợi cần tiếp tục để phục vụ quá trình phát triển KT - XH? Loại tài sản công nào kém hiệu quả, cần tiếp tục thoái để thu hút nhà đầu tư trong quá trình cổ phần hóa tới đây, thông qua đó đẩy nhanh tiến độ và chất lượng cổ phần hóa, tách bạch giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị có tính công ích của DNNN; hạn chế tối đa can thiệp hành chính, can thiệp công việc mang tính vụ việc vào sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN, nhằm sai lệch mục tiêu chiến lược và dài hạn của đầu tư nhà nước.
Xây dựng lộ trình hợp lý trong thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán đối với DNNN, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý, phân phối thu nhập; xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe đối với những vi phạm.