Hạn chế thấp nhất tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang đề xuất hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Phương án 1 giữ nguyên như hiện hành (sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được rút một lần). Phương án 2 thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; phần còn lại sẽ được bảo lưu, ghi nhận trên Sổ Bảo hiểm xã hội để người lao động có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Đại biểu đánh giá, Phương án 2 rất nhân văn với mục tiêu bảo đảm cho người tham gia có cơ hội thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, người tham gia bảo hiểm xã hội hiện còn đang băn khoăn, lo lắng vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi. Do đó, để các quy định của Dự án Luật sửa đổi phát huy ngay hiệu quả vào cuộc sống, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau thì nên thực hiện theo Phương án 1 mà dự thảo đang đề xuất.
Cùng với đó, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rút một lần.
Cần mức xử lý khác nhau giữa chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội
Tham gia một số nội dung khác của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu cũng bày tỏ quan tâm tới quy định giảm thời gian đóng còn 15 năm. Theo đại biểu, nếu phương án này được thông qua, sẽ có một nhóm người lao động tham gia muộn (45 - 47 tuổi mới tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng. Như vậy, dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống của người lao động khi về già.
Về hai phương án dự thảo đang xây dựng liên quan đến tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho rằng: Hiện, có tình trạng người sử dụng lao động biến hóa các khoản tiền lương thành các khoản khác nhau nhằm trốn tránh việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Bên cạnh đó, rất nhiều người sử dụng mới chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng hoặc nhiều hơn một chút so với mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định.
Do đó, để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động, tránh tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đại biểu thống nhất với phương án 1: "Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động".
Đối với việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý tại các Điều 37, 38, 39, 40 của dự thảo, ĐBQH Võ Mạnh Sơn đề nghị, cần có các mức nộp số tiền khác nhau do hành vi chậm đóng hoặc trốn đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội và không nên quy định giống nhau là 0,03%/ngày. Ngoài ra, cần phân hóa và có các mức xử lý vi phạm hành chính khác nhau giữa chậm đóng, trốn đóng do tính chất, mức độ hành vi vi phạm giữa chậm và trốn là khác nhau.