Dự thảo Luật có tên “Nhận thức về chống bài Do Thái” do một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng bảo trợ, đã được thông qua với 320 phiếu thuận và 91 phiếu chống. Văn kiện này đã được chuyển đến Thượng viện để bỏ phiếu thông qua trước khi đưa đến bàn của Tổng thống Biden ký ban hành.
Theo dự thảo luật, Bộ Giáo dục Mỹ phải dùng định nghĩa của Liên minh Quốc tế tưởng niệm sự kiện Diệt chủng người Do Thái (Holocaust) để thực thi luật chống kỳ thị của liên bang. Theo định nghĩa đó, bài Do Thái là “nhận thức về người Do Thái được bày tỏ bằng thái độ thù ghét”. Định nghĩa này bao gồm việc tước đoạt quyền tự quyết của người Do Thái bằng cách cho rằng Israel là quốc gia phân biệt chủng tộc. Nếu được Thượng viện thông qua và ký thành luật, dự luật sẽ mở rộng định nghĩa pháp lý về chủ nghĩa bài Do Thái để bao gồm “nhắm mục tiêu vào nhà nước Israel, được coi là một tập thể Do Thái”. Các nhà phê bình cho rằng động thái này sẽ có tác động tiêu cực đến quyền tự do ngôn luận trong khuôn viên trường đại học.
Định nghĩa mở rộng về chủ nghĩa bài Do Thái lần đầu tiên được Liên minh Quốc tế tưởng niệm sự kiện Diệt chủng người Do Thái thông qua vào năm 2016. Liên minh này là một nhóm liên chính phủ bao gồm Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, và đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chấp nhận dưới ba chính quyền tổng thống trước đây, bao gồm cả chính quyền của ông Joe Biden. Tuy nhiên, những nỗ lực lưỡng đảng trước đây nhằm hệ thống hóa định nghĩa này thành luật đã thất bại.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chống bài Do Thái giữa lúc làn sóng biểu tình vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều sinh viên biểu tình ủng hộ Palestine đang kêu gọi trường của họ ngừng tài trợ chiến dịch quân sự của Israel. Những sinh viên biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza bị cáo buộc bài Do Thái.
Trong khi đó, một số sinh viên Do Thái ở trường và giới chức dân cử gọi những cuộc biểu tình này là bài Do Thái, đồng thời cho biết họ đang lo sợ cho sự an toàn của bản thân.
Tính tới ngày 1.5, làn sóng biểu tình tại các trường đại học ở Mỹ diễn ra hầu như ôn hòa, mặc dù hàng trăm sinh viên và nhân viên đại học khắp nước Mỹ đã bị bắt, chủ yếu vì tội xâm phạm cơ sở đào tạo. Giới chức đại học khắp cả nước cũng cho hay một số vụ bạo động mấy ngày qua phần lớn do người biểu tình không phải sinh viên gây ra.