Lực lượng đặc nhiệm được Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries công bố trong tuần này, sẽ có nhiệm vụ đưa ra một báo cáo toàn diện cho các nhà lập pháp, bao gồm các nguyên tắc hướng dẫn, các khuyến nghị hướng tới tương lai và các đề xuất chính sách của lưỡng đảng.
Trước đó, Chính phủ liên bang - cụ thể hơn là Bộ An ninh Nội địa Mỹ - đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chịu trách nhiệm bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng trước những rủi ro về trí tuệ nhân tạo liên quan. Các nhóm tương tự cũng đã thành hình ở cấp địa phương và ở một số bang, bao gồm Alabama, Massachusetts, New Jersey, Wisconsin cùng một số bang khác.
Lực lượng đặc nhiệm này sẽ gồm 24 thành viên do Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jay Obernolte và Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Ted Lieu làm đồng chủ tịch. Hai nhà lãnh đạo lưỡng đảng là Chủ tịch Hạ viện Johnson và lãnh đạo phe thiểu số Jeffries mỗi người bổ nhiệm 12 người.
Phát biểu về lý do thành lập lực lượng này, ông Obernolte đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiêu chuẩn bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu như một phần nền tảng quy định về AI. Ông Obernolte cho biết trong một thông báo: “Các đảng viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tại Hạ viện sẽ làm việc cùng nhau để tạo ra một báo cáo toàn diện nêu chi tiết các tiêu chuẩn quy định và các đề xuất chính sách cần thiết cho Quốc hội để từ đó đưa ra các quy định quản lý AI, vừa nhằm bảo vệ người tiêu dùng vừa thúc đẩy đầu tư và đổi mới liên tục AI” .
Ông Ted Lieu cũng nhấn mạnh sự cần thiết và vai trò của cơ quan lập pháp trong giải quyết các rủi ro liên quan đến AI, sau khi ông đề xuất một dự luật được gọi là Đạo luật Ủy ban AI quốc gia vào năm ngoái. Đầu tháng này, ông đã giới thiệu dự luật nghiên cứu ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe.
“Như chúng ta đã biết, AI có khả năng thay đổi cuộc sống của chúng ta. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đảm bảo AI mang lại lợi ích cho xã hội thay vì gây hại cho chúng ta”.
Công nghệ AI tạo sinh hiện tại có thể tạo ra văn bản, hình ảnh và video dựa theo những từ khóa do người dùng sử dụng. Công nghệ này đã gây ra những lo ngại khiến một số công việc truyền thống biến mất, tác động đến kết quả bầu cử hoặc thậm chí AI có khả năng chế ngự con người, gây ra những hậu quả thảm khốc.
Vấn đề này một lần nữa thu hút sự chú ý của người dân Mỹ sau khi xuất hiện cuộc gọi tự động giả (robocall) vào tháng 1.2024, giả giọng Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi cử tri đảng Dân chủ không bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở New Hampshine. Sự việc khiến Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ tuyên bố các cuộc gọi được thực hiện bằng công nghệ AI tạo ra là bất hợp pháp.
Năm 2023, Quốc hội Mỹ đã nhiều lần đề xuất thông qua luật để giải quyết về vấn đề AI song bất thành.