“Chúng ta cần tăng gấp đôi nỗ lực bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của mình, giúp các đồng minh của chúng ta thực hiện các biện pháp quan trọng vì an ninh của chính họ và kiên quyết bảo vệ các quyền cơ bản", dân biểu Susan Wild của đảng Dân chủ, người ủng hộ dự luật, cho biết.
Dự luật cũng yêu cầu các công ty công khai tiết lộ liệu họ có ký hợp đồng sử dụng Huawei hoặc ZTE hay các dịch vụ được đề cập trong dự luật hay không.
Dự luật cũng sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao báo cáo về các lỗ hổng viễn thông tại các Đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài và chỉ đạo Bộ Ngoại giao xác định các dự án cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng để thúc đẩy an ninh quốc gia.
Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) vào tháng 11.2022 đã cấm phê duyệt thiết bị viễn thông mới của Huawei và ZTE, cho rằng chúng gây ra “rủi ro không thể chấp nhận được” đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington phản ứng rằng, FCC “đã lạm dụng quyền lực nhà nước và tấn công ác ý các nhà khai thác viễn thông Trung Quốc mà không có cơ sở thực tế”.
Huawei đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc về hành vi sai trái và cho biết chính phủ Mỹ đã nhắm vào công ty một cách “bất hợp pháp và phi lý”.
Những nỗ lực của Washington nhằm chống lại những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng chúng để theo dõi người Mỹ.
Trong nhiều năm, Washington đã gây áp lực cho các đồng minh của Mỹ không sử dụng thiết bị 5G của Huawei hoặc ZTE.
Vào năm 2019, Quốc hội đã chỉ đạo FCC ra lệnh cho các nhà mạng viễn thông nhận trợ cấp liên bang thanh lọc mạng lưới thiết bị viễn thông để tìm ra lỗ hổng gây ra rủi ro an ninh quốc gia. FCC đã chỉ định Huawei và ZTE là mối đe dọa, yêu cầu các công ty Mỹ loại bỏ thiết bị của họ hoặc bị đóng băng trong quỹ chính phủ trị giá 8,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, để tài trợ cho chiến dịch thay thế này, Quốc hội chỉ phân bổ 1,9 tỷ USD.