Ngày 22.3 vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp năm 2023. Tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường đã có những chia sẻ đầy xúc động tới gần 1.000 tân tiến sĩ, thạc sĩ.
“Đừng bao giờ nghĩ đã nghiên cứu thì ắt phải thành công”
GS.TS Nguyễn Văn Minh đặt câu hỏi tới các các tân tiến sĩ, thạc sĩ - là tầng lớp tinh hoa của đất nước: Có bao giờ các bạn nghĩ rằng, một ngày không xa, khi thiết bị máy móc thay thế các công đoạn sản xuất thì việc làm của bà con công nhân, nông dân sẽ thế nào và cuộc sống họ sẽ ra sao? Có bao giờ các bạn nghĩ rằng, những giá trị tốt đẹp, những cách cư xử ân tình, những sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau ngày càng thiếu vắng thì sẽ thế nào hay không?
“Cái các bạn thu nhận được là nền tảng căn bản; nhưng tiến trình của thời đại đang thay đổi chóng mặt. Một sự thích ứng như là đòi hỏi tự thân của mỗi con người. Muốn vậy, không có con đường nào khác là thường xuyên tự học, tự nghiên cứu, tự cập nhật, tự làm mới mình về tri thức và cả phương pháp làm việc để hành động chính đáng. Điều đáng sợ của một trí thức là sự tự thỏa mãn, nghĩ mình đã giỏi giang hơn người”, GS.TS Nguyễn Văn Minh nói.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, bản lĩnh để bảo tồn những giá trị chính đáng trước những biến đổi thời cuộc là hết sức cần thiết. Đơn cử, sự quan tâm và biết ơn, sự chiều chuộng thái quá một đứa trẻ sẽ đưa đến hệ lụy ích kỷ và thậm chí vô ơn rồi tự biện minh rằng, thế hệ ngày nay đã khác và chúng ta phải biết cách thích ứng, biết cách chấp nhận. Đây là “một sự đồng lõa đáng sợ”.
Ông nhấn mạnh, các tân tiến sĩ, thạc sĩ là những người đã bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học, nghĩa là các bạn đang đồng hành với sự trung thực và chân chính để đi đến chân lý. Trên con đường này, có thể có thành công và có cả thất bại, thậm chí “bi thảm”.
“Điều quan trọng hơn là dám đối diện để tìm cách khác tối ưu hơn, chứ không phải tìm cách để biến cái sai thành cái đúng. Đừng bao giờ nghĩ đã nghiên cứu thì ắt phải thành công. Vấn đề là chuẩn bị những nền tảng, điều kiện để có những dự báo ban đầu. Phải coi trung thực là danh dự, là phẩm giá của con người. Chỉ có vậy, thì con người mới có tự trọng”, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho hay.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, những điều mới mẻ không phải được phát hiện từ số đông mà có thể là từ một cá thể. Vì vậy, chính các tân tiến sĩ, thạc sĩ cần là người biết nâng niu cái mới, trân trọng cái mới, cái khác biệt và ủng hộ chúng; biết bảo vệ cái đúng.
“Kết quả học tập, nghiên cứu không phải chỉ dành riêng cho mình như một báu vật. Vấn đề là bạn sẽ dùng nó cho hiệu quả công việc tốt hơn không, có đóng góp gì hơn cho kho tàng tri thức hay một sản phẩm cụ thể. Và hơn nữa, bạn đã lan tỏa điều đó cho đồng nghiệp, cho cộng đồng hay không.
Không ít người khi thu nhận được một lượng tri thức nào đó thì coi như độc tôn về quyền năng như là bảo bối và không muốn chia sẻ với ai cả. Họ không hiểu rằng, cái tri thức mình có cũng là kết tinh của tri thức nhận loại. Chỉ biết nhận mà không biết trao gửi thì thật ích kỷ”, GS.TS Nguyễn Văn Minh nêu quan điểm.
Khi dạy học, hãy biến cái phức tạp thành cái đơn giản nhất
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các tân tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp năm 2023 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phần lớn làm việc trong ngành giáo dục và liên quan đến giáo dục. Vận hành đổi mới giáo dục đang diễn ra. Các tân tiến sĩ, thạc sĩ đều là những người giỏi giang và cấp tiến, hoàn toàn có đủ khả năng để nghĩ về các điều lớn lao mang tầm thời đại.
“Thầy không dám nói điều to tát, mà chỉ lưu ý rằng, dù giảng dạy môn học nào đi nữa thì trước hết và trên hết là giáo dục để trẻ trở thành một con người tử tế, biết yêu thương, sẻ chia, cảm thông, tha thứ với người thân và đồng loại; đồng thời giáo dục để trẻ biết được, hiểu được, dùng được cái đã học vào cuộc sống, trước khi mong muốn chúng trở thành những người sáng tạo.
Khi đã có một tầm tri thức, hi vọng rằng các bạn sẽ lan tỏa tri thức đó đến đồng nghiệp, người học và đại chúng bằng con đường dễ hiểu nhất. Khi nghiên cứu, nghĩa là các bạn khái quát hóa vấn đề để rút ra điều phổ quát; còn khi giảng giải, dạy học thì lưu ý là biến cái phức tạp thành cái đơn giản nhất”, ông nói.
GS.TS Nguyễn Văn Minh nhắc lại Thuyết tương đối của Einstein. Theo giai thoại, Einstein từng giải thích thuyết tương đối cho một người bình thường: "Khi một người đàn ông ngồi bên cô gái đẹp một giờ, thời gian dường như chỉ mới một phút. Nhưng khi đặt anh ta lên bếp lò nóng một phút, thời gian tưởng đã hàng giờ. Đó là tính tương đối".
Các tân tiến sĩ, thạc sĩ đến từ các vùng đất khác nhau, có những nơi còn nhiều khó khăn. Thầy Hiệu trưởng đặt câu hỏi: Các bạn có trăn trở và có nghĩ về việc mình sẽ làm điều gì đó để trẻ con bớt đi thua thiệt với những nơi giàu có hay không?
Đồng thời, nhấn mạnh tới việc hãy đối diện với thực tại để thay đổi. “Trong bức tranh đa sắc, còn có những mảng màu sáng tối khác nhau, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Hãy dám nhìn chúng một cách trung thực như vốn có và nghĩ cách thay đổi. Khi còn dấu diếm, khi còn che chắn thì khó mà thay đổi được gì. Ở những nơi thuận lợi thì đáng mừng phần nào; còn nơi biên viễn, các bạn nghĩ gì khi trẻ đến trường trên những con đường trơn trượt, bữa ăn có đủ được cơm? Và lớp thanh niên đang ngơ ngác trên mảnh đất họ sinh ra? Các bạn có nghĩ về công ăn việc làm cho họ hay không?
Hãy tự đặt cho chính mình câu hỏi, ở một thang bậc mới của học hành, mình sẽ thay đổi được gì cho chính mình, cho đồng nghiệp và cho nơi mình làm việc, sinh sống?”, ông bộc bạch.
GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng lưu ý các tân tiến sĩ, thạc sĩ hãy là người trung thực, khiêm tốn, bản lĩnh, đừng bao giờ tự thỏa mãn với chính mình, bởi chỉ có thế, mới không ngừng học hỏi, cập nhật cái hay, cái mới để công việc tốt hơn. Bên cạnh đó, ông cũng nhắc nhở các học trò đừng bao giờ để ngọn lửa đam mê trong mình nguội lạnh và giữ lấy khát khao chân chính, để lan truyền cho đồng nghiệp, cho thế hệ sau.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong số ít các cơ sở đào tạo sau đại học đầu tiên của Việt Nam. Trong quá trình gần 50 năm đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, nhà trường luôn là một trong số những trường đi tiên phong trong đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành giáo dục nước nhà.
Cùng với nhiệm vụ đào tạo nhân tài, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước, đặc biệt cho ngành giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho nhiều sinh viên, giáo viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, thực tập sinh quốc tế.
Nhiều nhà khoa học, nhà giáo và cán bộ quản lý, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động xã hội trưởng thành từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã và đang phát huy tốt vai trò của mình trong các lĩnh vực công tác.