Tham dự hội nghị còn có: lãnh đạo UBND, HĐND một số tỉnh phía Nam và miền Trung Tây Nguyên như: Bà Rịa -Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Gia Lai… đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố phía Nam cùng những chuyên gia trong lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được thông qua vào năm 2007, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết các vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm bình đẳng hạnh phúc cũng như sự nghiêm túc chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế đã tham gia. Luật đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc phát triển cũng như thực thi nhiều chính sách và chương trình can thiệp trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn là một vấn nạn dai dẳng ở Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan được giao soạn thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Việc xây dựng dự án Luật dựa trên 4 quan điểm lớn: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về gia đình; Bảo đảm phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng gia đình Việt Nam và phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; Tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam; Kế thừa đầy đủ các chế định cơ bản của Luật hiện hành còn phù hợp, có điều chỉnh, sửa đổi để khắc phục những vướng mắc, bất cập và bổ sung những vấn đề mới phát sinh”.
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara cho biết, đã đến lúc phải sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện tại. UNFPA rất vinh dự được hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình này. Trong những năm qua, UNFPA đã hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi Luật để lồng ghép tất cả khuyến nghị từ các nghiên cứu trước đây cũng như đảm bảo các cam kết và tiêu chuẩn quốc tế về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
“Vấn đề này đang được thảo luật rất sôi nổi, tiếp nhận nhiều ý kiến tại các phiên nghị sự trong kỳ họp Quốc hội nên hôm nay chúng tôi quyết tâm tổ chức hội thảo này tại Vũng Tàu nhằm thảo luận sâu hơn từ góc độ của chính quyền địa phương, các chuyên gia từ các tỉnh, thành phố phía Nam. Chúng ta không được bỏ rơi bất kỳ ai trong công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam, bao gồm cả nạn nhân bị bạo lực, phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực”, bà Naomi Kitahara chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn 2009 – 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình tại các địa phương trên cả nước là 324.641 vụ. Trong khi đó, Nghiên cứu quốc gia do UNFPA hỗ trợ về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy có rất ít thay đổi về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ sau 10 năm, kể từ nghiên cứu đầu tiên vào năm 2010. Đặc biệt, 62,9% phụ nữ ở Việt Nam từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực cuộc đời, bao gồm bạo lực về thể chất, kinh tế, tình cảm và tình dục cũng như các hành vi kiểm soát. Ngoài ra, 90,4% nạn nhân bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền, trong khi một nửa trong số họ chưa bao giờ nói với ai về vấn đề bạo lực. Như vậy, bạo lực gia đình đang tiềm ẩn trong xã hội và là vấn đề đáng báo động.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung vào những vấn đề lớn gồm: Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc triển khai thi hành Luật; Việc xử lý và xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; Những quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình ba cấp độ. Các đại biểu nhấn mạnh về tăng cường các chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe với những đối tượng vi phạm, tăng cường các giải pháp bảo vệ phụ nữ, quy định trách nhiệm khắc phục hậu quả gây ra cho người bị bạo lực, đề nghị có quy định cụ thể hơn về nguồn tài chính bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Đối với quy định đảm bảo bình đẳng giới cũng như uy tín nhân phẩm danh dự đối với người bị bạo lực, đề nghị bổ sung đối tượng là người có hành vi bạo lực. Đối với quy định về các mặt trái tác động đến hành vi bạo lực gia đình đề nghị bổ sung thêm các nguồn như mạng xã hội, các trò chơi bạo lực… Đối với các cơ quan công an, tòa án… đề xuất bổ sung thêm vai trò tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nội dung Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Bổ sung thêm quy định về bảo đảm bí mật riêng tư cho các đối tượng…
Tính đến nay, đã diễn ra nhiều cuộc họp chuyên môn và hội thảo lấy ý kiến liên quan đến dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với sự tham gia của các bộ chủ quản và các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng như chính quyền các địa phương và các tổ chức xã hội dân sự. Luật sửa đổi gồm 6 chương, 62 điều với 24 điều mới và 38 điều bổ sung, dự kiến sẽ được Quốc hội Khóa XV xem xét thông qua vào tháng 10. 2022. Luật dựa trên cách tiếp cận quyền con người, kết hợp các bài học, kinh nghiệm và khuyến nghị quốc tế nhằm tăng cường hiệu lực của các thể chế nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách và chương trình can thiệp nhằm ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, phương pháp lấy nạn nhân làm trọng tâm đã được áp dụng để đảm bảo quyền của nạn nhân bị bạo lực gia đình, đảm bảo nhu cầu và tiếng nói của họ được xem xét và lắng nghe một cách nghiêm túc, đặc biệt trong bối cảnh tại Việt Nam, vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ chủ yếu còn tiềm ẩn.