Vừa thao tác trên giấy, vừa thực hiện phần mềm
Đến thời điểm này, toàn tỉnh cơ bản đã phủ sóng điện thoại di động và internet đến các thôn, ấp, khu phố, tổ dân cư; đa số dân cư được tiếp cận dịch vụ di động 4G/5G, tuy nhiên, việc ứng dụng các phần mềm, các ứng dụng trên thiết bị điện tử (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh…) của người dân, nhất là khu vực nông thôn và nhóm người trên 50 tuổi để đăng ký hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, người dân vẫn còn thói quen đến giải quyết các thủ tục hành chính trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Nhiều công dân không đăng ký sim điện thoại chính chủ nên không thực hiện được thủ tục qua dịch vụ công, việc thanh toán lệ phí điện tử chưa được tích hợp trên cổng dịch vụ công trực tuyến nên chưa thực hiện đúng quy định về dịch vụ công mức độ 4.
Đáng lưu ý, Cổng Dịch vụ công tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và phần mềm Một cửa điện tử tỉnh chưa được sáp nhập thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ. Chính vì thế, việc xử lý các TTHC liên thông tại bộ phận một cửa và các bộ phận chuyên môn; giữa các phần mềm của tỉnh với một số bộ, ngành chưa được kết nối, còn phải thao tác nhiều lần. Điển hình, hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, công chức bộ phận một cửa đã tiếp nhận một số thông tin vào phần mềm Một cửa của tỉnh, nhưng phòng chuyên môn nghiệp vụ không khai thác được số thông tin đó mà phải nhập lại thông tin lần thứ 2 vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia để thao tác nghiệp vụ.
Đại diện Công an tỉnh nêu thực tế, mỗi đơn vị công an cấp xã chỉ được cấp 1 bộ máy vi tính phục vụ cho nhiều việc trên hệ thống như: làm sạch dữ liệu; cấp định danh cá nhân; trả lời xác minh; cập nhật tiêm chủng Covid-19, hỗ trợ thuê nhà; cập nhật và quản lý đối tượng; tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký quản lý cư trú… Trong khi đó, hệ thống thường xuyên nâng cấp, cập nhật, thay đổi tính năng, đường truyền của hệ thống không ổn định, hay bị treo, đăng nhập nhưng không thao tác được… ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.
Còn đại diện Sở Tư pháp phản ánh, mặc dù đã thực hiện kết nối giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội; song vẫn chưa thực sự đi vào khai thác. Do đó, quy trình tác nghiệp giữa các đơn vị tư pháp, công an, BHXH cả trên giấy và trên phần mềm còn nhiều bước (công dân thực hiện 3 tờ khai khác nhau). Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thường xuyên có sự cố, lỗi kết nối: công chức thực hiện đăng ký khai sinh phải chờ cấp số định danh lâu, kéo dài nhiều ngày; phần mềm không truy cập được; không thống nhất cách nhập thông tin của người nước ngoài giữa 2 cơ sở dữ liệu… khó khăn trong việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và trả kết quả hồ sơ theo đúng thời gian quy định giải quyết, dân phản ứng, gây áp lực cho công chức thực hiện.
Phát huy vai trò của tổ công tác
Để bảo đảm tiến độ thực hiện Đề án 06/CP, trong thời gian tới, các sở, ngành liên quan sẽ thực hiện rà soát kết quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án. Trên cơ sở đó tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP của tỉnh có biện pháp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ của đề án, trước hết là tập trung nâng cao tỷ lệ tiếp nhận, xử lý và trả kết hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Từ thực tế triển khai đề án cũng cho thấy, việc tuyên truyền phổ biến về Đề án 06/CP đến với người dân còn nhiều hạn chế. Chính vì thế một trong các giải pháp được tỉnh đưa ra là phát huy vai trò của tổ công tác cấp xã, thôn trong triển khai nhiệm vụ, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ về việc cấp và sử dụng Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử qua các trang mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, qua các cuộc họp chi bộ, thôn, bản, tổ dân phố...
Tuy vậy, song song nỗ lực của chính quyền địa phương thì các bộ, ngành cũng nhanh chóng kết nối các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan thống nhất trong việc kết nối các Cơ sở dữ liệu ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định của pháp luật cho phù hợp và thống nhất, đặc biệt trong việc liên thông khai thác, sử dụng giấy tờ của công dân trong thực hiện TTHC, không yêu cầu công dân phải xuất trình nhiều loại giấy tờ như quy định hiện hành.