Việc quy đổi giá chưa tính đủ các yếu tố
Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định trình tự, thủ tục để thực hiện đấu giá tài sản bao gồm quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần. Như vậy, có thể thấy với các quy định hiện hành, việc tổ chức đấu giá đối với băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất hay mạng viễn thông công cộng khác khi số lượng tổ chức có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ là hoàn toàn khả thi.
Việc xác định giá khởi điểm của các tài sản vô hình như tần số vô tuyến điện được áp dụng theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, có 3 cách tiếp cận: từ thị trường (căn cứ vào việc so sánh các tài sản tương tự), từ chi phí và từ thu nhập.
Hiện, việc xác định giá khởi điểm cho đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo Nghị định 88/2021/NĐ-CP được tính theo cách tiếp cận từ thị trường. Cụ thể, lấy trung bình giá trúng đấu giá quy đổi từ tối thiểu 3 quốc gia, ưu tiên những nước có GDP gần nhất với GDP của nước ta. Giá trúng đấu giá được quy đổi từ quốc gia khác về Việt Nam dựa trên các yếu tố: tổng số tiền trúng đấu giá, tổng băng thông được cấp phép, GDP bình quân đầu người, dân số, tỷ giá đồng nội tệ so với đô la Mỹ và chỉ số giá tiêu dùng ngành viễn thông.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cách tính của Nghị định 88/2021/NĐ-CP đang có một số hạn chế. Đó là việc quy đổi giá trúng đấu giá từ các quốc gia khác chưa tính đến các yếu tố như doanh thu trung bình trên mỗi người dùng, số lượng doanh nghiệp tham gia đấu giá, tổng lượng băng tần mang ra đấu giá, các cam kết triển khai mạng… Do đó, có thể xuất hiện các mẫu có giá trị cao hoặc thấp bất thường (mẫu dị biệt) làm cho giá xác định được có thể cao hoặc thấp hơn nhiều lần so với mẫu bình quân, không phù hợp với mặt bằng chung của thị trường.
Hơn nữa, tần số là tài sản đặc thù, không thường xuyên được đấu giá, đồng thời phải lấy các mẫu có tính tương đồng nên với chu kỳ lấy mẫu 5 năm thì số lượng mẫu sẽ bị giới hạn. Nếu xuất hiện mẫu dị biệt thì có thể làm thay đổi lớn đến kết quả. Trường hợp số lượng mẫu hợp lệ ít hơn 3 thì chưa có cách xác định giá khởi điểm.
Hoàn thiện quy định về việc lấy mẫu
Để xác định giá khởi điểm, các ý kiến cho rằng vẫn có thể áp dụng phương pháp của Nghị định 88/2021/NĐ-CP vì đây là cách xác định đơn giản, số liệu công khai, minh bạch.Song cần xem xét, bổ sung một số quy định về việc lấy mẫu như xác định nguyên tắc để loại bỏ mẫu dị biệt. Nguyên tắc này đã được sử dụng trong tiêu chuẩn thẩm định giá của nước ta cũng như một số tổ chức tư vấn quốc tế.
Đồng thời, cần quy định rõ trình tự các bước lấy mẫu và thời gian thực hiện. Chẳng hạn, đối với các mẫu chưa có thông tin đầy đủ từ công bố của cơ quan quản lý thì cho phép tìm kiếm từ các nguồn khác như tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA)…; gửi tham vấn tới cơ quan quản lý quốc gia liên quan để xác minh thông tin. Kéo dài khoảng thời gian lấy mẫu từ 5 năm lên 10 năm để tăng số lượng mẫu tương đồng thu thập được.
Ngoài ra, để khắc phục hạn chế của cách tiếp cận từ thị trường khi không đủ số mẫu thì có thể bổ sung phương pháp xác định giá khởi điểm theo cách tiếp cận từ thu nhập do tần số là tài nguyên thiên nhiên, không có căn cứ để xác định chi phí tái tạo hoặc thay thế. Cách tiếp cận từ thu nhập sẽ giúp xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do tài sản vô hình mang lại.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội vô tuyến điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan, từ khi Luật Tần số vô tuyến điện ra đời năm 2009 đến nay, chưa có băng tần nào được cấp phép bằng hình thức đấu giá, trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn và quy định pháp luật đã có. Điều này, chứng tỏ việc tổ chức đấu giá phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người có trách nhiệm, thẩm quyền cấp phép băng tần. “Để giá cao thì không khả thi, đặt giá thấp thì sợ trách nhiệm”. Do đó cũng cần thiết kế những quy định để “loại bỏ” được ý chí chủ quan này, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc để những người có trách nhiệm, thẩm quyền cấp phép băng tần yên tâm tổ chức thực hiện.