Luật Đất đai là đạo luật có tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống, xã hội, nhất là đối với người dân và doanh nghiệp. Luật Đất đai 2013 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên qua thực tiễn với nhiều sự thay đổi, thủ tục về đất đai và liên quan đến đất đai hiện nay rất phức tạp, gây phiền hà như: thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, định giá đất, bồi thường… cần được sửa đổi để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư kí Hội Luật gia Việt Nam TS.Trần Công Phàn cho biết việc sửa Luật Đất đai là rất cần thiết. Việc sửa đổi Luật lần này liên quan đến 112 đạo luật khác nhau, liên quan đến lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội.
Nhấn mạnh việc sửa đổi Luật vừa khó vừa phải đáp ứng được tính khả thi cao, tuy nhiên, TS. Trần Công Phàn cho rằng, việc sửa đổi Luật thuận lợi, bởi vừa qua Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW với 10 nội dung, chính sách lớn. Đây được xem là cơ sở chính trị quan trọng, thuận lợi cho Ban soạn thảo trong việc cụ thể hóa những chính sách, chủ trương đó. Việc sửa đổi Luật nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn đọng liên quan đến quy hoạch đất, sử dụng đất, khung giá đất, bảo đảm sự hài hòa giữa các chủ thể áp dụng…Qua đó, góp phần thúc đẩy việc huy động được các nguồn lực tham gia vào việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam GS.Lê Minh Tâm cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định một cách toàn diện, đầy đủ và phù hợp các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, đã kịp thời thể chế hoá quan điểm Nghị quyết số 18 -NQ/TW, đặc biệt là đã bổ sung một số quy định mới về quyền của người sử dụng đất. Đây được xem là thành công của dự thảo lần này nhưng theo GS.Lê Minh Tâm vẫn còn vấn đề chưa đề cập đến. Đơn cử, Điều 6 dự thảo Luật quy định về người sử dụng đất chưa có quy định về đối tượng là người nước ngoài, trong khi Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có quy định cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; được mua, thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở của Việt Nam. Đây là những bổ sung rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu cấp bách đang đặt ra hiện nay.
Góp ý về dự thảo Luật, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn đất nước phát triển, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là một lĩnh vực pháp luật cần điều chỉnh để bảo đảm được diễn ra nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất phi nông nghiệp, phân phối lại đất đai. Đồng thời, cần quan tâm tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất, bảo đảm quá trình khai thác, sử dụng đất đem lại giá trị cao hơn, đóng góp lớn hơn cho phát triển đất nước trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp cận thông tin đất đai.
Đề cập về quyền tiếp cận thông tin về đất đai, bà Tống Thị Thanh Nam, Phó Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN – Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, so với Luật Đất đai năm 2013, thì quyền tiếp cận thông tin về đất đai của người sử dụng đất đã được rõ nét hơn trong dự thảo Luật lần này. Trách nhiệm thông tin cũng rõ hơn so. Nếu như trước đây, nội dung này chỉ được quy định chung chung về trách nhiệm của Nhà nước về đảm bảo thông tin, thì đến nay đã dành riêng một điều quy định cụ thể về nội dung này tại điều 25 của dự thảo Luật.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các chuyên gia tại Hội thảo, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền trong quá trình bổ sung, hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai 2013, nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả về quản lý, sử dụng đất đai theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng mục tiêu mà Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra.