Tình trạng “xin lùi, xin rút” các dự án Luật ra khỏi chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh là hạn chế tồn tại hàng chục năm nay. Dù trong nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều kỳ họp của Quốc hội, tình trạng này đã được nói đến, nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Cũng bởi nội dung của các dự án Luật không bảo đảm về mặt chất lượng nên có không ít các dự án luật phải “xin lùi, xin rút” khỏi chương trình.
Tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, trong Tờ trình Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định, chưa được UBTVQH chấp thuận đưa vào Chương trình để có thời gian hoàn thiện thêm. Việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, UBTVQH, Quốc hội không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch. Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm.
Nhận định về hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua, trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, một số hạn chế trong thời gian dài vừa qua trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vẫn chưa được khắc phục triệt để. Với điệp khúc là dự án luật đưa vào chương trình với lý do hết sức cần thiết rồi lại xin rút khỏi chương trình cũng đầy đủ các lý do, điều này gây bị động cho Quốc hội và cũng làm cho việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội không được nghiêm - đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh.
Việc dự án luật đã phải “xin lùi, xin rút” khỏi chương trình đã ảnh hưởng rất lớn đến tính ổn định của chương trình lập pháp của Quốc hội. Điều này cũng cho thấy, việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được nghiêm. Cử tri và nhân dân sẽ đánh giá thế nào khi chương trình đã được Quốc hội thông qua, sau đó lại phải thay đổi vì những lý do từ phía cơ quan trình dự án luật?
Để khắc phục tình trạng rút hoặc lùi thời gian trình các văn bản pháp luật cần tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, phân tích kỹ chính sách khi sửa đổi, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động, huy động trí tuệ tập thể, lấy ý kiến của nhân dân, các đối tượng có liên quan một cách thực chất để có tính phản biện cao, theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần tiếp thu các ý kiến góp ý một cách nghiêm túc, thấu đáo.
Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế trách nhiệm pháp lý theo hướng cá thể hóa trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị và trình dự án luật trước Quốc hội. Chỉ khi xử lý nghiêm trách nhiệm thì tình trạng chậm, xin lùi, xin rút dự án luật, nghị quyết ra khỏi chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh mới không tái diễn. Đó cũng là một trong những biện pháp mạnh để siết chặt kỷ luật lập pháp.