Nhiều con số từ báo cáo của các bộ cho thấy, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đang được triển khai tốt và hiệu quả. Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo cắt giảm được gần 60% điều kiện kinh doanh, giảm chi phí 36 tỷ đồng/năm. Bộ Y tế thống kê đã giảm 1.392 điều kiện đầu tư kinh doanh, đạt 69,43%, cắt 167/245 thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm 8.000 ngày công, tương đương với khoảng 3.300 tỷ đồng/năm, chưa kể các chi phí cơ hội. Lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu - vốn bị doanh nghiệp thường xuyên ca thán trước đây thì đến nay đã cắt giảm được 3.100 điều kiện trên tổng số hơn 6.000 điều kiện kinh doanh; bãi bỏ 6.700 thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan đến dòng hàng, mặt hàng trên tổng số 9.600 mặt hàng…
Dù vậy, tại cuộc làm việc, một lần nữa, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã phải nhắc lại yêu cầu “cắt giảm thủ tục, cải cách hành chính cần thực chất”. Lý do là bởi “doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng” và đáng lo ngại hơn là nhiều biểu hiện trong công cuộc này dù đã được chỉ ra từ lâu nhưng dường như lại đang có dấu hiệu trầm trọng hơn.
Đầu tiên là cắt giảm về “lượng” nhưng chưa tạo ra những chuyển biến căn bản về “chất”. Điển hình như với lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành. Kết quả cắt giảm, bãi bỏ điều kiện, thủ tục lớn như vậy nhưng chất lượng lại chưa tương xứng khi 6 tháng đầu năm nay, công tác kiểm tra chuyên ngành chủ yếu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trước khi thông quan chứ không phải là xóa bỏ việc kiểm tra như chỉ đạo của Thủ tướng. Một mặt hàng, sản phẩm vẫn phải chịu sự kiểm tra của nhiều đầu mối trong một bộ hoặc nhiều bộ. Thực tế cũng cho thấy, trong nhiều lĩnh vực, dù số lượng thủ tục giảm so với trước nhưng thời gian xử lý công việc lại không giảm. Một vấn đề doanh nghiệp xin ý kiến vẫn phải chờ vài ba bộ trả lời nên chỉ cần một bộ kéo dài thời gian trả lời là các khâu khác cũng phải chậm lại để chờ nhau. Với các trường hợp này, việc cắt giảm điều kiện, thủ tục trên thực tế không mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nếu không muốn nói là về mặt tâm lý, còn khiến doanh nghiệp bức xúc hơn cả khi chưa cắt giảm. Trong khi đó, việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành vẫn rất chậm chạp. Lĩnh vực này vẫn đang có tới 355 văn bản quy phạm pháp luật quy định là rất rộng và rất khó cho doanh nghiệp.
Một biểu hiện khác là các điều kiện, thủ tục sau khi cắt giảm lại “sống lại” dưới “hình hài” của các quy định về quy chuẩn kỹ thuật. Điều này khiến cho tình trạng cấp phép, xin - cho vẫn còn, thậm chí còn nặng nề hơn. Thực tế cho thấy, chi phí không chính thức với doanh nghiệp có giảm nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực dù đây là một trong những mục tiêu mà Thủ tướng và Chính phủ đặt ra khi bắt đầu loại bỏ những rào cản trong môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ở góc độ khác, một số đơn vị lại chỉ chạy theo mục đích cắt giảm cơ học các thủ tục, làm vì thành tích, cắt giảm lấy được mà chưa quan tâm thỏa đáng đến yêu cầu bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến cho hoạt động quản lý nhà nước sẽ bị “chuyển từ thái cực này sang thái cực kia”, như đại diện một bộ e ngại:“Trong điều kiện quản lý hiện nay, công nghệ thay đổi liên tục, kỹ thuật mới liên tục cập nhật, nếu cứ cắt giảm mãi cho đủ số lượng, sợ là đến lúc có vấn đề thì trở tay không kịp”.
Quan điểm nhất quán của Chính phủ là song song với việc cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp phát triển vững mạnh thì đồng thời vẫn phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Hai mục tiêu này không hề mâu thuẫn, xung đột với nhau. Một môi trường pháp lý minh bạch, lành mạnh, hay nói một cách đơn giản là “tốt cho doanh nghiệp và người dân” chắc chắn cũng sẽ tốt cho quản lý nhà nước. Sự xung đột hay nguy cơ “trở tay không kịp” sẽ xuất hiện nếu các bộ, ngành không thực tâm muốn từ bỏ các điều kiện kinh doanh, các thủ tục hành chính gắn với quyền lợi của ngành mình. Cái gốc của cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính không phải là số lượng bao nhiêu mà là các bộ, ngành phải bớt “ôm đồm” quyền lợi!