Băn khoăn bài toán nhân lực
Ghi nhận tại nhiều địa phương về những khó khăn của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, bên cạnh những bất ổn về thị trường nhiên liệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc thiếu hụt lao động cục bộ ở một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là lao động chất lượng cao đang là vấn đề cần được tháo gỡ.
Trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch đang mở ra nhiều cơ hội hơn cho ngành công nghiệp hỗ trợ thì bài toán nguồn nhân lực càng trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực sản xuất, tự tin cạnh tranh. Giải pháp nào để xây dựng được lực lượng lao động có tay nghề chất lượng cao cho các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là băn khoăn của nhiều chuyên gia.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang từng bước ứng dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; các doanh nghiệp không ngừng cải tiến quy trình, phương pháp quản lý, kiểm soát chất lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định, để thực hiện được điều này, nhân tố con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đầu tư vào nguồn nhân lực là một yếu tố phát triển bền vững đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt khi doanh nghiệp đang dần chuyển từ thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu tuyển dụng quá lớn, trong khi đào tạo không đủ đáp ứng, dẫn đến khan hiếm nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Không chỉ thiếu về số lượng; chất lượng lao động cũng đang là một thách thức. Theo các chuyên gia, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, cần rất nhiều công đoạn và trải qua nhiều máy móc, thiết bị khác nhau; lao động Việt Nam có thể thao tác trên từng máy móc rất tốt nhưng việc phối hợp với các công đoạn chưa tối ưu, tay nghề chưa đồng đều dẫn đến tính chính xác, hiệu quả tuyệt đối ở mỗi công đoạn chưa cao.
Số lao động có thể tuyển dụng trực tiếp sau khi qua đào tạo tại các trường khá khan hiếm, nhiều doanh nghiệp thường xuyên phải tổ chức các khóa học để đào tạo lại cho nhân lực các kỹ năng, kiến thức cần thiết trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế. Việc đào tạo lý thuyết trên giảng đường dường như là chưa đủ trang bị cho các sinh viên ra trường để làm việc.
Theo đại diện Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương, mặc dù có một lượng lao động khá lớn, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường. Các cơ sở đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam vẫn còn hạn chế về chương trình học và kỹ năng thực hành. Điều này khiến các doanh nghiệp phải tốn thời gian và chi phí cho quá trình đào tạo lại nhân viên mới.
Tăng cường kết nối cơ sở đào tạo và doanh nghiệp
Việc thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn cao chính là một trong những rào cản lớn mà các doanh nghiệp phải đối diện trong quá trình hoạt động và phát triển. Vì vậy, để giải quyết bài toán chất lượng nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng, kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và xã hội là rất quan trọng.
Theo ông Cao Văn Bình, nguyên Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, cần xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; sớm hóa giải thách thức về nhân lực, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Cùng với đó, quy hoạch lại tổng thể để phân bố và xác định quy mô không gian phát triển công nghiệp ở địa phương, vùng miền; qua đó, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; thêm các giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chọn lọc, ưu tiên công nghệ cao, có sức lan tỏa với thị trường, tạo đà thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trước những thách thức này, có ý kiến cho rằng, cần có những chiến lược rõ ràng và thực tế nhằm phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng đào tạo, kết nối giữa trường học và doanh nghiệp, cũng như tạo ra nhiều cơ hội học hỏi cho lao động trẻ.
Khi đề cập đến các hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, ông Cao Văn Bình cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo, đơn vị còn mang đến những giải pháp thực tế để doanh nghiệp có thể áp dụng ngay vào sản xuất.
Hiện nay, Trung tâm đang hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; trong đó có chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, thông qua việc áp dụng công nghệ mới. Với quy mô lớn, những chương trình này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn góp phần nâng cao trình độ của lực lượng lao động.
Ngoài các chương trình đào tạo chuyên gia, cũng có các hoạt động hợp tác với nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota. Từ sự hợp tác này, Trung tâm đã thành công trong việc đào tạo hàng trăm chuyên gia có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường. Đặc biệt, các học viên tham gia khóa đào tạo không chỉ được trang bị kiến thức lý thuyết mà còn có cơ hội thực hành trên những thiết bị công nghệ cao. Điều này giúp họ cải thiện kỹ năng và nâng cao nhận thức về chuyển đổi công nghệ.