Tại tọa đàm “Thuế tiêu thụ đặc biệt với xe hybrid và pick - up: Giải pháp nào phù hợp?” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 3.4, ông Đỗ Đức Hiển, ĐBQH hoạt động chuyên trách Trung ương, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội ban hành năm 2008, qua 16 năm triển khai thi hành đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần.
Theo ông Đỗ Đức Hiển, qua quá trình tổng kết thực hiện luật, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nêu rõ bên cạnh những kết quả đạt được, có 4 yếu tố cho thấy việc sửa đổi luật là cần thiết.

Thứ nhất, đối tượng chịu thuế còn hẹp so với thông lệ. Thứ hai, một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế hay mô tả các mặt hàng trong đầu thuế chưa đủ rõ nên áp dụng trong thực tế còn vướng mắc, bất cập, thậm chí có nội dung chưa đồng bộ với pháp luật hiện hành.
Thứ ba, thuế suất của một số mặt hàng chưa thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Thứ tư, trong điều kiện kinh tế - xã hội bước sang giai đoạn phát triển mới, một mặt phát huy vai trò của đạo luật sắc thuế, mặt khác cần bảo đảm hài hòa lợi ích trong xã hội.
Theo ông Đỗ Đức Hiển, sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này cần đáp ứng yêu cầu kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, định hướng chiến lược của Nhà nước. "Trong đó, điều phải nhấn mạnh ở đây là chúng ta cần quan tâm, mở rộng đối tượng thuế".
Bên cạnh đó, phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, quy định phải đủ rõ công khai, minh bạch, tổ chức có hiệu quả, phát huy hiệu quả, vai trò của sắc thuế.
Yêu cầu thứ ba là phát huy vai trò của công cụ thuế trong điều tiết tiêu dùng, sử dụng mặt hàng mang tính xa xỉ, tác động không tốt đến môi trường, sức khỏe cộng đồng. "Việc đánh thuế như vậy phải tính toán câu chuyện bảo đảm phát triển ổn định của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và hai con số trong những năm tiếp theo".
Liên quan đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với xe pick - up chở hàng cabin kép, ông Đỗ Đức Hiển "đồng tình" với các nội dung được Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu trong Báo cáo tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách vừa diễn ra.
Cụ thể, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, xe pick - up chở hàng cabin kép hiện đã được ưu đãi thuế thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn so với các loại xe ô tô khác. Thuế suất cho loại xe này hiện dao động từ 15 - 25% tùy dung tích xi lanh.
Nhấn mạnh đây là loại xe có niên hạn sử dụng 25 năm, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho rằng, nếu áp dụng thuế suất 60% ngay ở năm đầu tiên Luật có hiệu lực thi hành sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến ĐBQH, cân nhắc phương án lùi thời điểm áp thuế 1 - 2 năm so với thời hạn dự kiến trong dự thảo Luật hoặc áp dụng theo lộ trình để doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Hiện tại, cơ quan soạn thảo Luật đang xem xét để đưa ra một lộ trình áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại xe này sao cho hợp lý, bảo đảm thời gian cho doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đồng thời tránh gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là những hộ gia đình và doanh nghiệp ở nông thôn, đối tượng chính sử dụng xe pick-up chở hàng cabin kép.
"Tôi cho rằng, chúng ta nên cân nhắc tính toán lộ trình áp thuế dài hơn cho xe pick - up cabin kép, từ năm 2026 đến năm 2030, tức là trong 4 năm (thay vì áp dụng ngay mức 60% trong năm đầu tiên Luật có hiệu lực - PV). Lộ trình này là hợp lý và thỏa đáng", ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh.