Chia sẻ tại Tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, Chủ tịch Hiệp Hội xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Quốc hội, Chính phủ trong 20 năm qua, sau khi có Quyết định 187/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu đã chịu lỗ để bảo đảm điều hành thị trường xăng dầu qua được giai đoạn khó khăn. Cho tới nay, chúng ta đã có thêm 5 nghị định, việc sửa đổi không thể thực hiện được nữa mà cần có một nghị định mới thay thế toàn bộ hệ thống nghị định này.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát hiện ra những vấn đề bất cập ở trong các nghị định cần phải có những cách tiếp cận mới và đặc biệt những ngày gần đây thì cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng Chính phủ, Quốc hội sửa đổi hàng loạt các luật theo cách thức tiếp cận mới, quản lý đi đôi với kiến tạo phát triển.
Đối với tổng quan về xăng dầu, chúng ta đang quản lý theo văn bản pháp luật, trong đó nghị định là văn bản pháp luật rất quan trọng. Kinh doanh xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo Luật giá. Tất cả các nghị định đều quy định về công thức giá, công thức giá chặt chẽ, giá bán nhà nước quy định luôn. Doanh nghiệp rất quan tâm đến quy định vận hành, nghị định, các văn bản pháp lý, song, bình ổn phải đúng luật.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, chúng ta cần nhìn nhận thương nhân phân phối không phải là một trung gian, mà là một khâu vô cùng quan trọng trong lưu thông hàng hóa của tất cả các loại hình hàng hóa.
Ông Bùi Ngọc Bảo kỳ vọng với cách thức tiếp cận mới của Chính phủ để xây dựng các văn bản pháp luật đạt được mục tiêu quản lý, đồng thời tạo được kiến tạo, phát triển của các doanh nghiệp. Cần tính toán và bảo đảm quy định vừa thông thoáng, vừa quản lý được, bảo đảm tuân thủ luật, như vậy tổ chức thực hiện sẽ dễ dàng.