Tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, ĐBQH Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) cho rằng, Chính phủ đã đề xuất 5 chính sách thực hiện thí điểm, trong đó Bình Dương có một chính sách. Hiện nay, với đoạn đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh qua Thủ Dầu Một, Chơn Thành, trong cơ chế, chính sách thứ năm là thực hiện bổ sung vốn tăng thu ngân sách trung ương 2022 cho Bình Dương là 4.000 tỷ đồng. Đây là một cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để những địa phương có liên kết vùng nhằm tháo gỡ được điểm nghẽn trong các quy định pháp luật, đẩy nhanh và đẩy mạnh công tác thi công cũng như thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là liên kết vùng.
Đặc biệt, trong bối cảnh không chỉ có đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh qua đoạn Chơn Thành mà Bình Dương còn nhiều tuyến đường tương tự, đại biểu Nguyễn Văn Dành đề nghị, qua đợt thí điểm này cần nhân rộng mô hình để các địa phương chủ động trong công tác khơi thông nguồn lực tại địa phương mình, tạo không gian mới và động lực mới cho khu vực cũng như liên kết vùng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với các điều khoản rất tích cực và tiến bộ. Khẳng định điều này, song ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, từ năm 2017 đến nay, qua gần 5 năm tổ chức thực hiện Luật, tuy câu chuyện PPP cũng chưa có báo cáo đánh giá cụ thể của Chính phủ, nhưng qua theo dõi thấy rằng mong muốn và kỳ vọng rất lớn, song việc thực hiện rất khó khăn, riêng lĩnh vực giao thông lại càng khó.
Khi triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, chúng ta thống nhất phương án chia ra nhiều dự án thành phần với mong muốn có được nhiều nhà đầu tư tham gia cả theo hình thức BOT hoặc PPP, nhưng thực tế rất khó khăn. Có những dự án trước đây được xác định theo hình thức PPP hoặc BOT nhưng cuối cùng quay lại là vốn ngân sách nhà nước, đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu rõ.
Nguyên nhân một phần, theo đại biểu, là do các dự án giao thông đường bộ thường có chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổng mức đầu tư rất lớn, dẫn đến dự án kém đi tính hấp dẫn trong thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia đầu tư. Vì vậy, đại biểu Hoàng Đức Thắng bày tỏ ủng hộ đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm như Chính phủ trình để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cũng như rủi ro cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, để việc ra Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ có cơ sở thực tiễn chắc chắn hơn, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả, hạn chế sau gần 5 năm thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.