GS.TS Phan Mạnh Hưởng: Xây dựng nguồn nhân lực bán dẫn, trường đại học cần “ngồi lại” với các tập đoàn

GS.TS Phan Mạnh Hưởng - Giáo sư Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) cho rằng các trường, viện đào tạo cần “ngồi lại” với các tập đoàn để thấy được nhu cầu của tập đoàn, kỹ năng mà sinh viên cần có khi làm việc trong các nhà máy, thậm chí phải mời chuyên gia từ các tập đoàn đến đào tạo ngay tại chỗ.

Hiện nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030.

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, từ những kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy quốc tế, GS.TS Phan Mạnh Hưởng - Giáo sư Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

GS.TS Phan Mạnh Hưởng là Giáo sư Vật lý, Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ). Ông hiện là Trưởng ban biên tập cho 3 tạp chí quốc tế uy tín và là thành viên hội đồng biên tập, thành viên phản biện cho nhiều tạp chí khoa học quốc tế.

Với hơn 350 bài báo công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, các công trình nghiên cứu này đã được trích dẫn trên 16.800 lần với chỉ số H-index là 63, GS.TS Phan Mạnh Hưởng là một trong những nhà khoa học có chỉ số trích dẫn khoa học hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực Từ học.

Ông được cộng đồng khoa học đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu vật liệu nano từ siêu mỏng, vật liệu từ nhiệt (dạng gốm và dạng dây) cho ứng dụng lạnh từ, vật liệu từ mềm (dạng băng và dạng dây) cho các ứng dụng cảm biến từ trở khổng lồ và cảm biến sinh học, vật liệu nano từ cho các ứng dụng trong lĩnh vực y sinh (điều trị ung thư).

GS Phan Mạnh Hưởng: Đáp ứng nguồn nhân lực bán dẫn, trường đại học cần “ngồi lại” với các tập đoàn -0
GS.TS Phan Mạnh Hưởng (Ảnh: Xuân Quý)

Chương trình 5 triệu USD đầu tiên từ Mỹ về đào tạo kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam 

- Thưa GS.TS Phan Mạnh Hưởng, được biết, trong lần này khi trở về Việt Nam, giáo sư có nhiều chương trình làm việc tại các trường đại học liên quan đến lĩnh vực bán dẫn. Giáo sư có thể chia sẻ về sự hợp tác này?

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: Khi về Việt Nam lần này, tôi đã đưa phái đoàn của Đại học Arizona (Mỹ) về làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đặc biệt là 2 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam gồm Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong khuôn khổ của các buổi làm việc đã thảo luận rất chi tiết về các điều kiện, cơ hội của Việt Nam để tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Đơn cử, khi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi đã thảo luận về các chính sách và cơ hội mà Việt Nam và Mỹ có thể kết hợp, đồng hành cùng nhau để xây dựng những cơ chế liên quan đến tài trợ cho các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học của hai bên hợp tác. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn bền vững, lâu dài.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những thảo luận liên quan đến mô hình đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng tôi đã thảo luận chi tiết và ký kết với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sau khi ký kết, các bên tìm ra được những thế mạnh có thể hợp tác cùng phát triển, đặc biệt là việc xây dựng mô hình hai phòng thí nghiệm hai bên, giúp sinh viên trong tương lai có cơ hội được học hỏi, tiếp xúc và học đa kênh. Điều này giúp chúng ta không những đào tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng tốt mà có thể đáp ứng một phần lớn nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Việc xây dựng cơ chế hợp tác khoa học cũng là vấn đề chúng tôi rất quan tâm. Qua các buổi làm việc, chúng tôi đã đề xuất các trường thành viên liên quan đến hợp tác song phương cùng tạo ra những quỹ nhỏ cho các nhóm nghiên cứu mạnh về bán dẫn ở các trường để kết hợp nghiên cứu chung. Từ đó, tạo ra một kênh nghiên cứu hợp tác song phương giữa Mỹ và Việt Nam, có thể làm cơ sở để đệ trình lên phía Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam có những ký kết song phương về chương trình đào tạo và tài trợ cho chương trình.

Tôi rất vui được chia sẻ rằng hiện tại, phía Mỹ đã có chương trình đầu tiên tài trợ trực tiếp cho Việt Nam liên quan đến đào tạo kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn với nguồn 5 triệu USD. Chúng tôi đã viết và hoàn thành dự án đầu tiên giữa trường đại học bên Mỹ, cùng 2 đại học và các thành viên ở Việt Nam, đệ trình đề xuất đó lên phía Chính phủ Mỹ. Hy vọng rằng dự án này sẽ được tài trợ và là bước đầu tiên để chúng ta thiết lập quan hệ.

Đồng thời, chúng tôi cũng hướng đến việc ngay lập tức xây dựng các mô hình đào tạo và hợp tác song phương giữa các nhóm để khi có sự đầu tư của phía Chính phủ Việt Nam cho các trường, các trung tâm lớn của Việt Nam thì phía Đại học Arizona sẽ là cộng sự giúp xây dựng chương trình.

Tôi rất hy vọng rằng các chương trình mà chúng tôi đang đưa về Việt Nam sẽ đạt được hiệu quả lớn trong thời gian tới. Tất nhiên, chúng tôi cần kết hợp với nhiều đơn vị thành viên, vì chương trình đào tạo mang yếu tố hệ thống.

Cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn thế giới

- Dưới góc nhìn của một nhà khoa học, đồng thời là người tham gia vào những hoạt động kết nối, tư vấn cho phía Việt Nam và phía Mỹ trong khuôn khổ chương trình phát triển về công nghiệp bán dẫn, giáo sư có thể lý giải vì sao ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành một trong những từ khóa “hot” nhất hiện nay?

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: Tất cả công nghệ hiện nay chúng ta đang sử dụng, từ máy tính đến điện thoại thông minh, Internet of Things (IoT), AI cũng như các công nghệ số đều sử dụng những con chip bán dẫn. Chip bán dẫn hiện trở thành thành phần không thể thiếu trong các vi mạch, các thiết bị điện tử. Với nhu cầu cao như vậy, ngành công nghiệp bán dẫn chiếm thị phần và mang lại lợi nhuận rất lớn.

Theo thống kê, năm 2000, ngành công nghiệp bán dẫn mang lại khoảng 300 tỷ USD thì đến năm 2024, dự đoán con số này lên tới trên 600 tỷ USD. Đặc biệt, đến năm 2030 dự đoán có thể đạt đến con số 1.000 tỷ USD. Thị phần to lớn mà ngành công nghiệp bán dẫn mang lại dẫn đến nhu cầu tạo ra một thị trường, bởi hệ sinh thái của ngành bán dẫn rất phát triển.

Vậy tại sao lại nói rằng đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn thế giới?

Trước hết, để hiểu một cách đơn giản về góc độ của ngành công nghiệp bán dẫn, cần tìm hiểu các con chip được tạo ra như thế nào. Ngày trước, khi các vật liệu bán dẫn được phát hiện ra và những con chip đầu tiên được chế tạo đều ở quy mô rất đơn giản, có nghĩa một công ty, một tập đoàn có thể chế tạo và làm “từ A đến Z”.

Nhưng càng ngày các con chip càng phải hiện đại, chuẩn hóa ở mức độ cao thì một công ty, một tập đoàn không thể làm được. Chính vì thế, phải có sự chuyên môn hóa, phải có năng lực của rất nhiều tập đoàn cùng kết hợp lại để tạo ra một con chip chất lượng.

Đó là lý do tại sao có chuỗi cung ứng liên quan đến việc một con chip được tạo ra từ nhiều tập đoàn. Như vậy, nếu một tập đoàn có những sự thay đổi nào đó về khả năng sản xuất hay liên quan đến sự thay đổi về công nghệ sẽ ảnh hưởng đến những tập đoàn còn lại và chính điều đó dẫn đến sự khủng hoảng về chip, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, bối cảnh về địa chính trị cũng dẫn đến sự thay đổi rất lớn trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là những nhà máy lớn đã có sự dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Khi có sự bùng nổ về công nghệ thông tin, các trang thiết bị dùng lượng chip rất nhiều (theo thống kê, cứ sau 2 năm thì số lượng chip phải tăng gấp đôi), đồng thời các tập đoàn có những sự thay đổi trong chuỗi cung ứng đã mở ra cơ hội cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thu hút các tập đoàn lớn đến để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

GS Phan Mạnh Hưởng: Đáp ứng nguồn nhân lực bán dẫn, trường đại học cần “ngồi lại” với các tập đoàn -0
GS.TS Phan Mạnh Hưởng tham dự Talkshow "Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực vi mạch bán dẫn" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Duy Thông)

 Phải hướng đến việc nắm bắt được công nghệ lõi

- Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030. Ông nhìn nhận như thế nào về con số 50.000 kỹ sư này với điều kiện ở Việt Nam?

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: Để thảo luận về con số 50.000 kỹ sư này, chúng ta phải bóc tách rõ được họ sẽ làm những phân đoạn nào, phân khúc nào trong ngành công nghiệp bán dẫn, trong hệ sinh thái bán dẫn. Thông thường, khi nói đến các kỹ sư, mọi người chỉ nghĩ đến kỹ sư thiết kế vi mạch, nhưng theo tôi được biết trong số 50.000 kỹ sư đó sẽ có khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư liên quan đến chế tạo, đóng gói, lắp ráp và kiểm thử.

Các tập đoàn lớn đến Việt Nam, mỗi tập đoàn sẽ có một nhiệm vụ riêng, có thể có những tập đoàn chỉ tập trung về đóng gói, có những tập đoàn liên quan đến lắp ráp, có những tập đoàn chỉ liên quan đến kiểm thử, một số tập đoàn lại liên quan đến thiết kế. Chúng ta phải biết nhu cầu của thị trường tại Việt Nam để có nguồn nhân lực đáp ứng. Nếu đào tạo rất nhiều kỹ sư thiết kế nhưng thị trường về đóng gói, lắp ráp và kiểm thử lại rất thiếu sẽ dẫn đến sự không cân bằng về nguồn nhân lực.

Để có con số cụ thể, chúng ta phải “ngồi lại” với các tập đoàn, làm rõ đầu tư vào Việt Nam thì nguồn nhân lực cần bao nhiêu liên quan đến đóng gói, kiểm thử, bao nhiêu liên quan đến chế tạo, bao nhiêu liên quan đến thiết kế. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần có được con số đó.

Đồng thời, chúng ta phải có sự trao đổi giữa các nhà khoa học - những người làm trực tiếp về công nghệ bán dẫn, cùng những nhà quản lý và các tập đoàn.

Một vấn đề nữa tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta nói rất nhiều về các tập đoàn quốc tế mà lại không đề cập nhiều đến vai trò của các tập đoàn công nghệ tại Việt Nam. Các tập đoàn quốc tế vào một nước hoặc một thành phố nào đó, họ cần có một partner (cộng sự, đối tác) là những tập đoàn trong nước để có thể hợp tác cùng phát triển.

Đó là mô hình giúp cho những tập đoàn nước ngoài ngay lập tức triển khai được công việc, trong khi các tập đoàn trong nước có cơ hội làm việc, từng bước nắm bắt được công nghệ.

Bởi về lâu về dài, chúng ta phải hướng đến việc nắm bắt được công nghệ lõi và thậm chí phát triển được công nghệ đó. Như vậy, trước mắt và lâu dài, chúng ta phải có sự kết hợp giữa các tập đoàn trong nước và tập đoàn quốc tế.

Giải pháp đáp ứng ngay nguồn nhân lực trong vòng 1 - 2 năm tới

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050". Với kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài nhiều năm, theo giáo sư, yếu tố nào là quan trọng nhất trong xây dựng nguồn nhân lực?

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Hiện nay, Việt Nam có một ưu thế rất mạnh là nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt ở thời điểm bùng nổ công nghệ số. Đây là lợi thế cho Việt Nam trong vấn đề tiếp nhận một ngành công nghiệp rất đặc thù, đang được quan tâm trên thế giới.

Nói đến yếu tố con người, khi chúng ta muốn đào tạo, đặc biệt là đào tạo với số lượng lớn thì trước hết phải đề cập đến đội ngũ giảng viên, đội ngũ chuyên gia làm về công nghiệp bán dẫn, biết sâu, hiểu sâu về công nghiệp bán dẫn. Chúng ta đang thiếu lực lượng này. Cụ thể, chúng ta thiếu đội ngũ những người thầy có hiểu biết, kiến thức chuyên sâu về bán dẫn, đặc biệt là công nghệ bán dẫn.

Ở đây, tôi muốn chia sẻ góc nhìn về việc phải phân biệt được “vật lý bán dẫn” và “công nghệ bán dẫn” là khác nhau. Khi nói đến bán dẫn, công nghiệp bán dẫn, mọi người hay nhầm tưởng là những người học về vật lý, vật lý bán dẫn sẽ làm được, tham gia được ngay trong ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này không hoàn toàn đúng, bởi ngay bản thân các thầy có dạy chuyên ngành vật lý bán dẫn cũng chỉ nắm một phần rất nhỏ trong nền tảng kiến thức liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Công nghệ bán dẫn không chỉ liên quan đến vật liệu bán dẫn hay làm thế nào để tạo ra con chip, mà liên quan đến rất nhiều ngành, rất nhiều kiến thức gồm vật lý, vật liệu, công nghệ thông tin, điện, kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông, hóa, toán, kỹ thuật,... Tất cả nằm trong một hệ sinh thái của công nghiệp bán dẫn. Khi hiểu được các đơn vị, các chuyên ngành phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, lúc đó chúng ta mới có được một chương trình đào tạo phù hợp.

Một câu hỏi đặt ra là làm sao để chúng ta đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngay lập tức và đào tạo nguồn nhân lực lâu dài, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Chúng ta nói đến con số 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030, vậy thì trong vòng 1 - 2 năm tới cần đào tạo bao nhiêu? Chưa có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này. Khi các tập đoàn lớn vào Việt Nam, thực ra họ cần ngay lực lượng có thể làm việc trong các nhà máy, chúng ta đang rất thiếu.

GS Phan Mạnh Hưởng: Đáp ứng nguồn nhân lực bán dẫn, trường đại học cần “ngồi lại” với các tập đoàn -0
Công nghệ bán dẫn không chỉ liên quan đến vật liệu bán dẫn hay làm thế nào để tạo ra con chip, mà liên quan đến rất nhiều ngành, rất nhiều kiến thức (Hình minh họa)

Hàng năm, chúng ta đào tạo ra rất nhiều kỹ sư và những sinh viên tốt nghiệp đại học ở chuyên ngành liên quan trực tiếp đến bán dẫn. Chúng ta cần truyền thông để họ thấy rằng đây là ngành công nghiệp rất tiềm năng, đồng thời tạo cơ hội việc làm với mức lương cao, họ sẽ thấy cơ hội để quay trở lại.

Thay vì phải mất 4 năm đào tạo ra một kỹ sư, sau đó đào tạo chuyên sâu để làm việc trong các nhà máy bán dẫn thì bây giờ chúng ta khai thác luôn nguồn nhân lực tại chỗ là những kỹ sư, những cử nhân đã tốt nghiệp đại học ở chuyên ngành liên quan trong vòng 5 năm qua. Khi họ trở lại, chúng ta phải có những trung tâm đào tạo chuyên sâu từ 6 tháng đến 1 năm, như vậy sẽ đáp ứng ngay được lực lượng lao động là nhu cầu cấp bách trong vòng 1 - 2 năm tới.

Tôi muốn nói đến một góc độ khác là các trường, viện đào tạo cần “ngồi lại” với các tập đoàn để thấy được nhu cầu của các tập đoàn là gì và kỹ năng mà sinh viên, kỹ sư cần có để làm việc trong các nhà máy là gì, thậm chí phải mời chuyên gia từ các tập đoàn đến để đào tạo tại chỗ. Đây là cách giúp chúng ta có thể tạo ra nguồn nhân lực ngay lập tức, đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam tại thời điểm này.

Bên cạnh đó, cần hướng tới lộ trình đào tạo lâu dài. Có một cách tiếp cận mà tôi thấy Đại học Arizona (Mỹ) làm rất tốt là việc truyền thông cho học sinh ngay từ cấp 3 và cha mẹ các em hiểu được ngành công nghiệp bán dẫn rất tiềm năng. Ngoài ra, tiếp cận sinh viên ở các trường đại học thuộc các chuyên ngành có liên quan và giúp họ hiểu rằng họ hoàn toàn có thể tham gia được trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Bằng cách tiếp cận đa chiều sẽ giúp tạo ra được nguồn nhân lực đảm bảo cả chất lượng và số lượng.

Các nước như Mỹ cũng đối mặt với bài toán tương tự Việt Nam là phải tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao trong vòng 1 - 2 năm rồi trong vòng 5 - 10 năm tới. Và đó là cách họ tiếp cận.

Tôi thấy họ làm rất tốt, đặc biệt ở góc độ “ngồi lại” được với các tập đoàn. Câu hỏi là làm thế nào để các tập đoàn chịu “ngồi lại”? Có những cách rất hay, ví dụ như ở bang Arizona (Mỹ), họ có mô hình nói chuyện với từng doanh nghiệp để hiểu cụ thể thế mạnh và nhu cầu của doanh nghiệp. Sau đó sẽ có cuộc họp cho tất cả doanh nghiệp và từ đó xây dựng được mô hình tổng hợp về đào tạo, đáp ứng yêu cầu của tất cả doanh nghiệp. Khi đó sinh viên ra trường không lo về vấn đề đầu ra.

Khi doanh nghiệp mở nhà máy ở một thành phố thì thành phố đó phải có những chính sách thu hút, hỗ trợ để doanh nghiệp thấy rằng họ có những lợi ích. Song song, doanh nghiệp làm việc với các trường đại học để có nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần hiểu rằng để có được 1.500 - 2.000 công nhân làm việc cho họ trong vòng 1 năm tới, họ phải tham gia vào chương trình đào tạo, bao gồm việc đầu tư cho trường đại học để làm công tác liên quan đến tuyển sinh, đào tạo. Chúng ta phải làm sao thuyết phục doanh nghiệp vấn đề này.

Góc độ ở đây liên quan đến quan hệ 3 bên, gồm trường đại học, doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương. Địa phương cần có những chính sách hỗ trợ miễn thuế hoặc giảm thuế cho doanh nghiệp trong vòng 1 - 2 năm tới để họ “chuyển thể” nguồn tài chính này đầu tư cho giáo dục, tức là chuyển cho trường đại học và trường đại học sử dụng để đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng cho doanh nghiệp.

GS Phan Mạnh Hưởng: Đáp ứng nguồn nhân lực bán dẫn, trường đại học cần “ngồi lại” với các tập đoàn -0
"Chúng ta có một sức trẻ không riêng ở Việt Nam. Sức trẻ đó đang phát triển, ngày càng tăng lên ở nước ngoài và họ sẵn sàng đóng góp cho Việt Nam trong chiến lược đào tạo ra nguồn nhân lực", GS.TS Phan Mạnh Hưởng cho hay (Ảnh: Duy Thông)

Người Việt làm việc tại các tập đoàn lớn là chuyên gia quan trọng giúp đào tạo cả “thầy” và “trò

- Giáo sư đã nhấn mạnh rằng đội ngũ giảng viên và chuyên gia rất quan trọng trong việc đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn. Vậy theo ông, nên làm thế nào để tuyển dụng và thu hút giảng viên, chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam?

GS.TS Phan Mạnh Hưởng: Như tôi đã đề cập, chúng ta cần đào tạo ngay lực lượng giảng viên. Cần đưa các thầy tập huấn tại các cơ sở, tập đoàn để hiểu được công nghệ bán dẫn liên quan đến những phân khúc, công đoạn nào và tiếp cận với công nghệ hiện đại, bởi các thầy chính là những người truyền thụ kiến thức, cập nhật cho sinh viên về công nghệ bán dẫn hiện nay.

Hiện tại, chúng ta có một lực lượng trẻ người Việt Nam đang làm việc tại các tập đoàn lớn, thậm chí là các tập đoàn hàng đầu như Intel (Mỹ) hay TSMC (Đài Loan). Những người đã được đào tạo và đang trực tiếp làm việc tại các tập đoàn lớn chính là chuyên gia rất quan trọng trong vấn đề giúp Việt Nam đào tạo cả “thầy” lẫn “trò”.

Tôi nghĩ chúng ta phải có những chính sách và cách tiếp cận để thu hút được sự quan tâm của người Việt đang công tác và làm việc trong các tập đoàn lớn về công nghệ bán dẫn ở nước ngoài. Điều này càng thuận lợi hơn khi hiện nay, hình thức học và đào tạo rất đa dạng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, chúng ta dần quen với việc chuyển từ trạng thái giảng dạy tại chỗ sang trạng thái giảng dạy online.

Với những kiến thức họ đã được học, được làm việc trong 15 - 20 năm qua, thậm chí lâu hơn, họ có thể truyền thụ được những kiến thức bổ ích nhất, quan trọng nhất và cập nhật nhất cho đội ngũ các giảng viên của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia người Việt đang làm ở những tập đoàn lớn rất tha thiết đóng góp cho Việt Nam, bởi mọi người đều nhận thấy đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam mà nếu bỏ lỡ sẽ rất đáng tiếc. Chúng ta có một sức trẻ không riêng ở Việt Nam. Sức trẻ đó đang phát triển, ngày càng tăng lên ở nước ngoài và họ sẵn sàng đóng góp cho Việt Nam trong chiến lược đào tạo ra nguồn nhân lực.

- Trân trọng cảm ơn GS.TS Phan Mạnh Hưởng đã chia sẻ!

Còn tiếp....!

Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3
Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 16.9, Chi bộ, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. 

Đồng Nai: Trường THPT Văn Lang tổ chức giảng dạy ở cơ sở chưa được cấp phép
Giáo dục

Đồng Nai: Trường THPT Văn Lang tổ chức giảng dạy ở cơ sở chưa được cấp phép

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai xác định, Trường THPT Văn Lang chưa chuyển đổi từ loại hình dân lập sang tư thục, thiếu nhiều phòng chuyên môn, tổ chức giảng dạy ở cơ sở chưa được cấp phép, trường không được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 nhưng vẫn thu nhận hồ sơ là sai quy định.

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất
Giáo dục

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất

Thương cảm với hoàn cảnh em nhỏ trong vụ sạt lở đất ở Cuối Hạ - Kim Bôi (Hoà Bình) khi mất cả cha lẫn mẹ, hai anh em ruột Nguyễn Gia An - lớp 4A2 và Nguyễn Minh Tuấn - lớp 1A1, Trường Tiểu Học Trần Hưng Đạo, TP. Hoà Bình đã đập lợn tiết kiệm để góp tiền ủng hộ 15 triệu đồng.

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ
Giáo dục

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư cho biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 2 giáo viên và 7 học sinh thiệt mạng, 1 học sinh bị thương. Bên cạnh đó, 40 cơ sở giáo dục bị hư hỏng, ảnh hưởng do ngập nước, sạt lở.

Sẽ mở rộng di dời các cơ sở đại học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Giáo dục

Sẽ mở rộng di dời các cơ sở đại học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng theo quan điểm quy hoạch, sắp xếp, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu của người học. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, quan điểm là "mở rộng, di dời" chứ không chỉ "di dời".