- Các CTMTQG đã được triển khai thực hiện trong một thời gian nhất định. Bà nhận định như thế nào về triển khai Chương trình thời gian qua?
- Báo cáo của Đoàn giám sát cũng như Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nêu khá rõ thực tế công tác triển khai thực hiện thời gian qua. Tôi chỉ muốn chia sẻ thêm, đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện đồng thời giám sát cả 3 CTMTQG, với khối lượng công việc lớn, liên quan đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và nhiều bộ, ngành, địa phương.
Với sự quyết tâm, chủ động từ sớm, từ xa, giám sát nhằm đánh giá được những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai ngay từ giai đoạn đầu, để từ đó đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, chủ động nỗ lực hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các CTMTQG trong bối cảnh giải ngân chậm, nhiều nơi còn vướng mắc, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc còn nhiều hạn chế.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến 31.8, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài của 3 CTMTQG mới đạt 58,47% kế hoạch vốn kéo dài.
- Từ thực tế tại địa phương, theo bà, đâu là vướng mắc khi triển khai thực hiện Chương trình?
- Qua thực tế giám sát tại các địa phương cho thấy, hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện 3 CTMTQG từ Trung ương đến địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ dẫn đến việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn phân bổ cho các chương trình còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cơ sở.Việc quy định tỉ lệ vốn đối ứng cao như hiện nay sẽ rất khó khăn cho các địa phương, đặc biệt ở những tỉnh nghèo, thu ngân sách thấp; nếu cứ quy định cứng thì rất khó có thể thực hiện.
Tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và cả giai đoạn còn chậm, tỉ lệ giải ngân có những dự án, tiểu dự án chưa đạt đến 10% kế hoạch vốn của năm. Với tiến độ và thực tiễn triển khai như hiện nay, thì khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đến năm 2025 là khó đạt được.
Bên cạnh đó, nguồn vốn bố trí chưa tương xứng so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra đến cuối năm 2025; giao vốn chậm; giao vốn sự nghiệp chưa đồng bộ, thống nhất giữa 3 chương trình (dự án hỗ trợ nhà ở); cơ chế giao vốn chi tiết đến từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, tuy theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhưng rất khó khăn trong tổ chức triển khai cơ chế lồng ghép và chuyển nguồn khi dự án, tiểu dự án không còn hiệu quả.
- Vậy, để triển khai hiệu quả hơn nữa Chương trình, cần có giải pháp gì, thưa bà?
- Các báo cáo đã đánh giá và chỉ rõ những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và cả những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện. Trước hết, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn đã giao năm 2023 cho các địa phương để thực hiện CTMTQG sang năm 2024.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn theo thẩm quyền những nội dung văn bản còn chưa rõ, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong tổ chức thực hiện để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, nhất là cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng vốn.
Tiếp đến, đối với việc phân bổ kinh phí sự nghiệp CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đề nghị trung ương thông báo cho UBND cấp tỉnh tỉnh số vốn còn lại trong giai đoạn 2024-2025, đồng thời hàng năm phân bổ cho các địa phương trên cơ sở thực trạng, nhu cầu vốn.
Cuối cùng, đề nghị có cơ chế ưu tiên thủ tục thực hiện về đất đai đối với những dự án đầu tư có sử dụng đất rừng (diện tích chiếm dụng ít) thuộc các CTMTQG. Vì đối với huyện miền núi địa hình chủ yếu là đồi núi cao, việc xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng đa số rất khó tránh khỏi thực thế phải sử dụng một phần diện tích đất rừng. Tuy nhiên, hiện nay thủ tục về đất đai chuyển mục đích sang loại đất khác để thực hiện đầu tư xây dựng đòi hỏi phải có thời gian nhất định và trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
- Xin cám ơn bà!