Bảo đảm thống nhất giữa các dự thảo luật
ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho rằng, hồ sơ Dự án luật đã được chuẩn bị công phu và có những tiếp thu, chỉnh lý những ý kiến của các Đoàn ĐBQH, ĐBQH.
Góp ý thêm về một số nội dung, liên quan đến phạm vi điều chỉnh, tại Điều 2 của dự thảo luật quy định về đối tượng áp dụng như sau: “Luật này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam”. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, làm rõ khái niệm “hộ gia đình” trong dự thảo luật này nhằm thống nhất, phù hợp với quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình tại Điều 212 Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Bên cạnh đó, dự thảo luật chưa quy định về sở hữu đối với các loại hình bất động sản mới xuất hiện trong thời gian gần đây như bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà ở kết hợp thương mại. Do đó, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung điều chỉnh quan hệ sở hữu của các loại hình nhà ở mới trên, bảo đảm thống nhất với các dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai đang trong quá trình sửa đổi.
Tránh tình trạng trục lợi chính sách
Đối với các quy định về sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam (khoản 1, Điều 21), theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, việc dự thảo luật quy định cố định tỷ lệ 30% được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế; sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, 250 căn nhà ở riêng lẻ và áp dụng chung cho các địa bàn trên toàn quốc là chưa phù hợp.
Cũng theo bà Ngọc, một số địa bàn người nước ngoài sở hữu nhà có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, quốc phòng, việc giới hạn tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở như dự thảo luật là hợp lý. Tuy nhiên, tại khoản 3 của điều này đã giao Chính phủ quy định về tiêu chí xác định khu vực mà dự án được phép bán nhà ở cho người nước ngoài. Bởi vậy, đối với một số địa bàn có người nước ngoài sở hữu nhà ít tác động, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng thì có thể xem xét tăng tỷ lệ sở hữu trên để tiếp tục khuyến khích mua và sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài. Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định tỷ lệ trên cơ sở tính chất, đặc thù của từng khu vực, địa bàn để bảo đảm phù hợp với mỗi địa phương. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể về thời gian, điều kiện, trình tự, thủ tục gia hạn thêm nếu có nhu cầu sở hữu nhà ở quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 22.
Về phát triển nhà ở xã hội, cần rà soát, điều chỉnh lại bố cục quy định tại khoản 13, Điều 73: “Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy định hướng dẫn về mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng quy định tại Điều này” cho phù hợp với tên gọi và nội dung của Điều 73 về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Ngoài ra, cần rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ về “nơi sinh sống” của các đối tượng để tránh tình trạng trục lợi chính sách tại điểm a, khoản 1, Điều 75.
“Hiện nay, trên thực tế, chưa có quy định cụ thể về “nơi sinh sống” dẫn đến việc xác định và chứng minh các đối tượng trên chưa có nhà ở thuộc sở hữu, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội là rất khó khăn, bất cập. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm xác nhận thu nhập của các đối tượng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội nhằm bảo đảm minh bạch, chính xác trong thi hành luật tại điểm b, khoản 1, Điều 75”, ĐBQH Đặng Bích Ngọc dẫn chứng.
Bổ sung quy định về các hành vi bị cấm chi tiết, chặt chẽ
Đóng góp thêm ý kiến về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), ĐBQH tỉnh Hòa Bình Hoàng Đức Chính cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định tại khoản 7, Điều 5 về các hành vi bị cấm để bảo đảm dự thảo luật chặt chẽ, đầy đủ và tránh một số chủ đầu tư không bảo đảm về năng lực tài chính để ký hợp đồng góp vốn cho các hộ dân tự xây dựng dẫn đến không bảo đảm theo quy hoạch thiết kế ban đầu. Đồng thời, xem xét bổ sung quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 30 về điều chỉnh chương trình kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để bảo đảm chặt chẽ vì kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội cấp tỉnh rất rộng gồm nhiều mục tiêu phát triển.
Đại biểu Chính cũng cho rằng, cần làm rõ tại điểm a, khoản 1, Điều 75 quy định về việc phát triển nhà ở xã hội. Dự thảo nêu trường hợp được thuê, mua nhà ở xã hội phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được hưởng chính sách nhà ở xã hội dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống. Hiện nay chưa có quy định rõ về vấn đề này nên tạo kẽ hở cho những người đã có nhà nhưng vẫn có điều kiện để mua nhà ở xã hội tại một dự án khác. Do vậy, phải quy định rõ nơi sinh sống như thế nào để chặt chẽ tránh việc lợi dụng để mua được nhà ở xã hội.
“Tại Điều 82 quy định về ưu đãi đối với các chủ đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở xã hội để bán cho thuê hoặc cho thuê mua, trong đấy có quy định tại điểm h, khoản 2, đó là các hình thức khác theo quy định đã có, do vậy Chính phủ cần có quy định chi tiết chứ không nên quy định chung chung khó triển khai thực hiện”, đại biểu Hoàng Đức Chính đề nghị.