
Giống như một chuyên gia đã có cơ hội vào nhà bếp và nắm bắt được bí mật của đầu bếp, qua Swiss Made - Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sỹ, James Breiding - cố vấn đầu tư của Mỹ, cựu phóng viên tạp chí Economist thường trú tại Thụy Sỹ - cung cấp cho người đọc những nghiên cứu cụ thể và đánh giá sâu sắc về từng lĩnh vực kinh tế nổi trội tại Thụy Sỹ, những nguyên nhân cơ bản nhất giúp doanh nghiệp và nền kinh tế Thụy Sỹ gặt hái được nhiều thành công đáng ngưỡng mộ như hiện nay.
Tận dụng cái đã có, tạo dựng cái không có
Tại buổi ra mắt Swiss Made bản tiếng Việt do Đại sứ quán Thụy Sỹ và Alphabooks phối hợp tổ chức, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, tuy 2 đất nước có điều kiện quá khác nhau nhưng Thụy Sỹ vẫn có nhiều điều đáng để Việt Nam học. Trước hết, Thụy Sỹ từ chỗ không có gì đến có tất cả. Họ đã tận dụng những cái có sẵn và tạo dựng cái không có. Chẳng hạn như, không có biển, nhưng bù lại Thụy Sỹ sở hữu nhiều đồi núi, sông hồ với phong cảnh tuyệt đẹp, đặc biệt là những ngọn núi phủ tuyết. Họ đã tận dụng nguồn tài nguyên đó để xây dựng và phát triển ngành du lịch hiện đứng đầu thế giới, được coi là thánh địa của du lịch trượt tuyết ở châu Âu với nhiều loại hình thể thao dành cho từ trẻ em đến người lớn, thậm chí cả vào mùa hè. Không có tài nguyên khoáng sản, rất ít đất nông nghiệp, Thụy Sỹ tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao nhất, được tín nhiệm nhất như chocolate, phô mai (Emmental) và sữa (Nestle)... Theo ông Vũ Khoan, Thụy Sỹ thành công là bởi nhận thức đúng tiềm năng có thực và tận dụng tiềm năng đó biến thành hiện thực.
![]() |
Với những cái không có, Thụy Sỹ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để đầu tư phát triển các ngành cần trí tuệ cao và dịch vụ (nổi bật là dịch vụ ngân hàng). Tác giả James Breiding nhấn mạnh, một nhân tố đem đến thành công của Thụy Sỹ chính là hệ thống giáo dục vượt trội từ cấp tiểu học đến đại học. Nhà giáo được trả lương cao và được xã hội trọng vọng. Các trường đại học Thụy Sỹ đã sản sinh ra 21 nhà khoa học được giải Nobel, trong đó đa số là người nước ngoài. Số bằng phát minh tính trên đầu người tại Thụy Sỹ cũng cao nhất thế giới. Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Đăng Doanh lại chia sẻ với tác giả James Breiding về vai trò của quân đội Thụy Sỹ trong hình thành văn hóa của người Thụy Sỹ, được ví như lò tôi luyện hun đúc tinh thần, tạo ra môi trường giao tiếp như một lớp dự bị cho các giám đốc doanh nghiệp tương lai. Nhờ có chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, thanh niên được tiếp xúc với những người nói ngôn ngữ khác, đến từ vùng khác, các tầng lớp xã hội khác, góp phần tạo nên sự gắn kết cộng đồng. James Breiding ca ngợi quân đội Thụy Sỹ đã góp phần rèn luyện các doanh nhân Thụy Sỹ, nếp suy nghĩ, quá trình đi đến quyết định của họ.
Sáng tạo không ngừng
Thế mạnh của kinh tế Thụy Sỹ chính là sáng tạo. Bí quyết thành công của mỗi doanh nghiệp có thể khác nhau nhưng đều có nền tảng là sáng tạo. Điều này càng được chứng minh qua chia sẻ của các doanh nghiệp hàng đầu Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam. Đại diện ABB Việt Nam cho biết, mỗi năm tập đoàn này đầu tư 5% doanh thu cho sáng tạo (năm 2012 là 2 tỷ USD). Doanh nghiệp còn đầu tư vào hơn 70 trường đại học cho công tác nghiên cứu và đào tạo. Schindler - một trong những công ty kinh doanh thang máy đầu tiên tại Việt Nam - cũng dựa vào sáng tạo và địa phương hóa (đầu tư cho con người địa phương, đào tạo công nhân) để thành công. Với Nestle, một trong những nguyên tắc hoạt động lâu dài là gắn kết lợi ích của công ty với lợi ích của người bản địa. Trước tình trạng cây cà phê Việt Nam đang bị già hóa, Nestle thực hiện dự án huấn luyện nông dân canh tác cây cà phê đúng cách và phát triển cây cà phê chất lượng cao. “Nếu không mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, hoạt động của công ty sẽ không bền vững” - đại diện Nestle Việt Nam nói.
![]() |
Bí quyết thành công của Thụy Sỹ còn là chính sách đối ngoại trung lập tích cực (trung lập nhưng không mất tính chiến đấu), giúp đất nước tránh được 2 cuộc đại chiến, duy trì hòa bình và quan hệ hợp tác với các nước, được lựa chọn là địa điểm của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế, quy tụ trí tuệ toàn cầu. Đó còn là bộ máy quản lý nhà nước nhỏ nhưng hiệu quả, tạo điều kiện cho mọi người có tiếng nói; hay quan hệ hài hòa giữa các dân tộc… Bên cạnh những thách thức như dân số già, cạnh tranh gay gắt toàn cầu đối với từng ngành công nghiệp, James Breiding cảnh báo nguy cơ tự mãn của người Thụy Sỹ với những thành công trong quá khứ. Nhưng ông tin Thụy Sỹ sẽ tiếp tục thịnh vượng vì năng lực sáng tạo, vì sự cần cù của người Thụy Sỹ và cả khả năng luôn đứng dậy sau vấp ngã hay thất bại.
Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Andrej Motyl đánh giá, Swiss Made là cuốn bách khoa toàn thư, chứa đựng những bài học hàng trăm năm kinh nghiệm đã được kiểm chứng trong tư duy và hành động thực tế của người Thụy Sỹ, từ các chính khách, nhà quản lý, doanh nhân cho đến những công dân bình thường. Cuốn sách hy vọng sẽ là vị quân sư và người cổ vũ tuyệt vời cho giới doanh nhân Việt Nam, đồng thời là cẩm nang dành cho những người ra quyết sách từ trung ương đến địa phương, cũng như các nhà lập pháp, nhằm tạo điều kiện khung tốt nhất cho hoạt động kinh doanh. Bởi “tất cả chủ doanh nghiệp đều biết kinh doanh thế nào, nhưng họ cần các điều kiện luật pháp hợp lý. Thành công của Thụy Sỹ đến thời điểm này được quyết định bởi những điều kiện mà người Thụy Sỹ được hưởng”.
__________________
* Swiss Made - Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sỹ (Alphabooks, NXB Lao động - xã hội, 2013)