Làm rõ hơn vấn đề liên quan đến thuế phí trong giá vé máy bay, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, các khoản phí nêu trên là “giá dịch vụ” chuyên ngành hàng không quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31.12.2019 của Bộ Giao thông Vận tải; không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.
Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, đối với chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại các sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay (theo Thông tư số 247/2016/TT-BTC ngày 11.11.2016 của Bộ Tài chính) với mức phí: 165.000 đồng/lượt/dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không.
Thông tin thêm về nội dung này, đại diện Cục Quản lý giá cho biết: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 quy định: Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng; hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông Vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông Vận tải.
Trên cơ sở đó, theo thẩm quyền, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31.12.2019 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải (Cục Hàng không dân dụng Việt Nam) tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa do Bộ Giao thông Vận tải định giá tối đa…
Đối với giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không: theo thẩm quyền, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT ngày 30.11.2023 (có hiệu lực từ ngày 1.3.2024) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3.5.2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa.
Như vậy, việc quản lý nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.
Trước đó, ngày 3.5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có công văn yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải và các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra giá vé máy bay của các hãng hàng không trong thời gian qua. Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả thực hiện trước ngày 10.5 tới.
Thời gian vừa qua, người dân phản ánh giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30.4.-.1.5 vừa qua. Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, góp phần bình ổn giá, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không.
Trường hợp phát hiện bất thường, Cục kịp thời có chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có); đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.
“Vụ Vận tải chủ động theo dõi, kịp thời tham mưu cho Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, có giải pháp phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bình ổn giá vé, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định, đặc biệt trong dịp cao điểm hè sắp tới, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu.