Phát biểu trước các phóng viên, vài giờ sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thuộc Nhà Trắng, John Kirby nói đây là “điều tích cực”. Ông Kirby bày tỏ mong muốn rằng cuộc điện đàm sẽ dẫn tới những kế hoạch hoặc những đề xuất cụ thể hướng tới hòa bình. “Chúng tôi chắc chắn sẽ hoan nghênh bất kỳ nỗ lực nào nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng, miễn là nền hòa bình đó có thể bền vững và đáng tin cậy”, ông Kirby nói thêm. “Một nền hòa bình bền vững có nghĩa là cá nhân Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine đều ủng hộ”.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Eric Mamer nói cuộc điện đàm là “bước đầu tiên quan trọng của Trung Quốc trong việc thực hiện trách nhiệm với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”. “Lãnh đạo Trung Quốc cần sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước này, làm cơ sở cho một nền hòa bình công bằng”, phát ngôn viên Mamer nói thêm.
Trong cuộc điện đàm kéo dài gần một giờ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Ukraine Zelensky rằng “đàm phán và đối thoại” là “cách duy nhất” để chấm dứt xung đột.
Về phần mình, ông Zelensky bày tỏ quan điểm hoan nghênh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nỗ lực khôi phục hòa bình và tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Tôi biết rằng tôi có thể trông cậy vào Trung Quốc trong việc thuyết phục Nga và đưa mọi người trở lại đàm phán”.
Nguồn tin giấu tên gần gũi với ông Macron cho biết, cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Zelensky cho thấy Tổng thống Pháp đã đúng khi đề nghị Trung Quốc giúp đỡ.
“Đây là bước đầu tiên hướng tới hòa bình, dựa trên những điều kiện mà Ukraine mong muốn”, Pieyre-Alexandre Anglade, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề châu Âu của Quốc hội Pháp và là thành viên đảng Phục hưng của ông Macron, đưa ra nhận định về cuộc điện đàm.
Benjamin Haddad, một nhà lập pháp khác thuộc đảng Phục hưng ở Pháp, cũng liên kết cuộc điện đàm với chuyến thăm Trung Quốc của ông Macron.
Trong cuộc điện đàm với ông Zelensky, ông Tập lưu ý rằng, “một trong những mục tiêu trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Pháp Macron là thúc đẩy Trung Quốc đóng vai trò mang tính xây dựng hơn trong cuộc xung đột”.
Một quan chức EU giấu tên nói Liên minh châu Âu “luôn khuyến khích Trung Quốc chia sẻ trách nhiệm toàn cầu để bảo vệ, duy trì hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
“Chúng tôi ghi nhận việc Trung Quốc cử một đặc phái viên tới Ukraine và các nước khác. Chúng tôi mong muốn có thêm thông tin chi tiết về sáng kiến này”, quan chức giấu tên nói thêm, theo tờ SCMP.
Rorry Daniels, giám đốc điều hành Viện Chính sách Xã hội Châu Á có trụ sở ở Ấn Độ, nói cuộc điện đàm cho thấy Trung Quốc đang thực hiện chính sách cân bằng trong quan hệ với Nga, EU và Mỹ.
Theo bà Daniels, cuộc điện đàm dường như “đặt nền móng cho việc liên lạc thường xuyên hơn giữa các quan chức Trung Quốc và Ukraine”.
“Trung Quốc muốn châu Âu thấy rằng Bắc Kinh có thể đóng vai trò mang tính xây dựng hơn trong các vấn đề quan trọng nhất đối với châu Âu”, bà Daniels nói thêm. “Trung Quốc thể hiện quan điểm rằng nước này đã sẵn sàng, có thiện chí và có thể làm trung gian cho quá trình đối thoại”.
Theo SCMP