Một loạt vụ bê bối về an toàn vệ sinh thực phẩm cuối những năm 1990 là lý do khiến EU quyết định thiết lập hệ thống quy định toàn khối về an toàn thực phẩm. Trong Sách Trắng về An toàn thực phẩm, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức chọn cách tiếp cận “từ nông trại đến bàn ăn”. Có nghĩa là bộ quy định sẽ điều chỉnh toàn bộ chuỗi thực phẩm, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến, lưu trữ, vận chuyển đến bán lẻ. Năm 2002, bộ quy tắc được Nghị viện châu Âu thông qua theo Nghị quyết số 178/2002. 3 nguyên tắc được thiết lập là xem xét rủi ro, cẩn trọng và minh bạch, cùng với rất nhiều tiêu chuẩn và quy trình. Ngoài đặt ra các nguyên tắc, tiêu chuẩn tối thiểu và quy trình, bộ quy tắc còn thành lập cơ quan độc lập mang tên Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), có trách nhiệm tư vấn và hỗ trợ về mặt khoa học.
|
Điểm đặc biệt tiến bộ ở thời điểm đó là việc EU đưa vào áp dụng hệ thống “đánh dấu thực phẩm” để theo dõi thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và các thành phần qua mọi giai đoạn, từ sản xuất, chế biến đến phân phối. Chính nhờ hệ thống này mà EU đã phát hiện và giải quyết được nhiều vụ ô nhiễm nguồn thực phẩm phức tạp. Mùa thu năm 2004, trong lần kiểm tra ngẫu nhiên mức độ dioxin trong sữa ở một nông trại Hà Lan, nhà chức trách địa phương đã phát hiện mức độ dioxin vượt ngưỡng cho phép. Tất nhiên nông trại trên đã bị phong tỏa ngay lập tức, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao sữa bị nhiễm độc? Do thức ăn chăn nuôi, do môi trường hay nguyên nhân nào khác? Nhờ hệ thống đánh dấu, nhà chức trách đã tìm ra nguồn gây ô nhiễm là ở số đất sét dùng trong quá trình phân tách khoai tây kém chất lượng và đủ chất lượng. Vỏ khoai tây tiếp xúc với đất sét nhiễm dioxin đã bị nhiễm độc theo, sau đó số vỏ khoai tây này được đưa đi làm thức ăn cho bò tại nông trại trên. Chưa hết, cơ quan chức năng phát hiện ra số đất sét nhiễm độc trên đã được cung cấp cho một số công ty chế biến thực phẩm ở Hà Lan, Bỉ, Pháp và Đức. Từ đây, khoảng 200 nông trại bị phong tỏa để thu hồi số vỏ khoai tây làm thức ăn chăn nuôi có thể đã bị nhiễm độc.
Hệ thống Cảnh báo rủi ro nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) cũng được thành lập cùng thời điểm bộ quy tắc khối được đưa ra. RASFF là cơ chế chia sẻ thông tin giữa cơ quan phụ trách an toàn thực phẩm của 28 quốc gia thành viên, EC, EFSA, Cơ quan Hạt giống châu Âu (ESA), Na Uy, Liechtenstein, Iceland và Thụy Sĩ. Khi một nước thành viên phải sử dụng đến các biện pháp như thu hồi thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi, và đối tượng bị thu hồi có nguy cơ đã được đưa ra ngoài biên giới, thì nước thành viên phải ngay lập tức sử dụng RASFF. Cũng trong vụ việc sữa nhiễm dioxin trên, nhờ RASFF mà các nước có liên quan đã được cảnh báo để có hành động kịp thời.
Trong trường hợp khẩn cấp, khi thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi, bao gồm cả loại được nhập khẩu từ một nước không phải thành viên EU, bị phát hiện có nguy cơ cao, EC hoặc nước thành viên có thể áp lệnh cấm lưu hành ngay loại thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi đó.
Bên cạnh đó, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mà những biện pháp thông thường cũng chưa đủ, EC, EFSA và nước thành viên bị ảnh hưởng có thể áp dụng kế hoạch quản lý khủng hoảng được ban hành theo quyết định số 2004/478/EC. Theo đó, EC sẽ thành lập đội xử lý khủng hoảng, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ EFSA. Đội có nhiệm vụ thu thập thông tin, đưa ra các lựa chọn xử lý khủng hoảng nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại.
Quyết định 2004/478/EC cũng liệt thêm một số thủ tục đối phó rủi ro mang tính chất tiềm năng, nhưng có khả năng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. Trong trường hợp đó, EC sẽ thành lập một nhóm xử lý khủng hoảng, với quy mô nhỏ hơn đội. Để bảo đảm tính khả thi của nhóm, các nước thành viên có nhiệm vụ ban hành bộ kế hoạch ứng phó rủi ro riêng. Theo Điều 13 của Quy định số 882/2014 do EC ban hành, bộ kế hoạch cần chỉ ra được cơ quan có trách nhiệm xử lý khủng hoảng, quyền và nghĩa vụ của cơ quan này, cũng như các nguồn lực và thủ tục bảo đảm cho việc trao đổi thông tin giữa các bên liên quan.