Berlin được cho là đang tìm cách hạn chế tiếp xúc kinh tế với quốc gia châu Á này. Kế hoạch trên là một phần trong gói biện pháp của chính phủ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ chính cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vi mạch.
Chip bán dẫn là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu và được sử dụng trong nhiều loại hàng hóa từ ô tô, tủ lạnh đến điện thoại thông minh và trí tuệ nhân tạo.
Nếu được thực hiện, động thái này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc vì nó sẽ hạn chế xuất khẩu các hóa chất nhạy cảm được cung cấp bởi các công ty Đức như gã khổng lồ khoa học và công nghệ Merck, và nhà sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới BASF.
Đức không có ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình. Tuy nhiên, Merck và BASF cung cấp cho các nhà sản xuất chip trên khắp thế giới các hóa chất quan trọng để sản xuất. Bloomberg cho biết các hạn chế xuất khẩu sẽ gây rủi ro cho khả năng phát triển các công nghệ tiên tiến và thậm chí cả khả năng sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc.
Washington đã và đang thúc đẩy phong tỏa toàn cầu việc Trung Quốc tiếp cận các công nghệ then chốt, bao gồm cả sản xuất chất bán dẫn. Tháng trước, dưới áp lực của Washington, Hà Lan đã đồng ý hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc, cam kết áp đặt các giới hạn đối với công nghệ bán dẫn “tiên tiến nhất”. Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher đã công bố quyết định này trong một bức thư gửi Quốc hội.
Sáng kiến của Đức về kiểm soát xuất khẩu đang ở giai đoạn đầu và đang được cân nhắc, vì các quan chức nhận thức được rằng các biện pháp như vậy sẽ làm suy yếu quan hệ kinh doanh với Trung Quốc.
Bắc Kinh đã nhiều lần cáo buộc, bằng cách áp đặt các hạn chế xuất khẩu, Mỹ đang vi phạm các quy tắc thương mại tự do.