Bảo đảm thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình
Tham luận tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng nay, 19.3, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan đều đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại Phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Các đại biểu nhấn mạnh, với việc lần đầu tiên có một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn chi tiết các vấn đề liên quan đến tổ chức hoạt động giải trình tại Phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có ý nghĩa quan trọng đưa hoạt động này đi vào nền nếp, bảo đảm thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình, qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới của Quốc hội trong lĩnh vực giám sát. Các đại biểu cũng nêu một số đề xuất nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trong các nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc đã bám sát, thực hiện theo quy định của Luật. Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ Khoá XV đến nay, Hội đồng Dân tộc đã tiến hành 2phiên giải trình về: Kết quả thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Việc thực hiện chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
"Đây là những vấn đề được đồng bào các dân tộc quan tâm. Kết quả các phiên giải trình đã mang lại hiệu quả thiết thực; qua giải trình, nhiều đề xuất, kiến nghị của Hội đồng Dân tộc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp thu, điều chỉnh trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc".
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho biết, số lượng phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc còn ít, việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá thực hiện kết luận sau giải trình chưa được quan tâm đúng mức; đối tượng mời tham dự phiên giải trình chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chính sách, chưa có đối tượng thụ hưởng chính sách; vẫn còn ít ý kiến chất vấn, phản biện sâu sắc…
Nhấn mạnh, "Hội đồng Dân tộc xác định đây là các hạn chế phải khắc phục kịp thời trong thời gian tới", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung/vấn đề giải trình, nhất là các vấn đề khó, liên quan đến nhiều bộ, ngành, cần mở rộng thành phần, mời tham dự Phiên giải trình các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu về lĩnh vực dân tộc và các đối tượng chịu sự tác động của chính sách để có cái nhìn tổng thể, toàn diện vấn đề giải trình từ nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Trường hợp vấn đề giải trình có liên quan đến các Ủy ban của Quốc hội, trước khi tổ chức Phiên giải trình cần tham vấn để tranh thủ ý kiến, tạo sự đồng thuận, thống nhất.
Trong thời gian tới, Hội đồng Dân tộc cũng sẽ nghiên cứu kỹ nội dung quy định của Nghị quyết số 969, phổ biến, quán triệt đến các thành viên và Vụ chuyên môn giúp việc để thống nhất về nhận thức, nắm rõ nội dung quy định; trên cơ sở đó cụ thể hóa, áp dụng phù hợp đặc thù hoạt động của Hội đồng Dân tộc, nhất là việc mẫu hóa các thủ tục theo các trình tự thực hiện của Nghị quyết (như: lựa chọn vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình, kết luận phiên giải trình…) để các thủ tục bảo đảm đúng quy định, chặt chẽ, thống nhất, tránh làm phát sinh các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nêu rõ, Nghị quyết số 969 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ sở quan trọng để thực hiện hoạt động giải trình một cách đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Việc tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết này rất cần thiết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động này.
Cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra trong Kế hoạch triển khai Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giải trình, trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức hoạt động này các nhiệm kỳ qua và yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 969, Ủy ban Xã hội sẽ thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Trong đó, việc lựa chọn nội dung giải trình bảo đảm tiêu chí gắn trực tiếp từ hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát, khảo sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Ủy ban Xã hội nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên trong thực tiễn xã hội được các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân quan tâm. Nội dung được lựa chọn giải trình phải được đánh giá, tổ chức giám sát, khảo sát, thu thập thông tin, số liệu, chứng cứ… rõ ràng, thuyết phục. Xác định đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân phải giải trình, tham gia giải trình; lựa chọn thành phần tham dự phù hợp. Bảo đảm sự tham gia tối đa củacác cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình chuẩn bị, tiến hành phiên giải trình.
Đồng thời, phải tuân thủ đúng về trình tự, thủ tục tổ chức hoạt động Phiên giải trình đã được quy định. Thống nhất nội quy, trình tự phiên giải trình, thời lượng tối đa cho từng hoạt động, thông báo trước cho đại biểu và được nêu vào đầu phiên giải trình. Kết luận của phiên giải trình đánh giá khách quan thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm; nội dung vấn đề cần tiếp tục giải quyết sau phiên giải trình, thời gian hoàn thành, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan. Dự thảo Kết luận của phiên giải trình được gửi cho thành viên Ủy ban và được tiếp thu, chỉnh lý ngay trong phiên giải trình và đọc thông qua toàn văn Kết luận. Phân công cụ thể việc theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Kết luận của phiên giải trình.
Xác định rõ trách nhiệm, tiến độ và biện pháp khắc phục
Từ góc độ của các bộ, ngành, tham luận của Bộ Tư pháp nêu rõ, Nghị quyết số 969 của Quốc hội tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện quyền giám sát, đồng thời cũng là cơ sở để các cơ quan, cá nhân biết và chủ động thực hiện trách nhiệm giải trình của mình. Trong đó, Nghị quyết đã xác định cụ thể người được yêu cầu giải trình gồm các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước (khoản 2 Điều 4) cũng như trách nhiệm, quyền của người được yêu cầu giải trình, cơ quan, cá nhân liên quan.
Từ các quy định của Nghị quyết, Bộ Tư pháp nhận thấy, thông qua phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thể đánh giá tính hiệu quả, chất lượng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của người được yêu cầu giải trình, đồng thời đây cũng là cơ hội để người được yêu cầu giải trình chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, điều hành khi thực hiện chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, Nghị quyết đã góp phần "khoanh vùng" vấn đề, đưa nội dung phiên giải trình đi vào chiều sâu, nhằm tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề cụ thể, có tính thời sự, bức xúc, được nhiều đại biểu Quốc hội, dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 969, Bộ Tư pháp đề nghị, cần quán triệt mục đích, mục tiêu của hoạt động giải trình nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật, đồng thời gợi mở các giải pháp khắc phục; khuyến khích, đề cao tinh thần cởi mở, xây dựng, cầu thị trong hoạt động giám sát và giải trình.
Cùng với đó, cần tăng cường chất lượng phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội bắt đầu từ giai đoạn lập kế hoạch, thông báo tổ chức phiên giải trình và cần đặc biệt chú ý các khâu:
Xác định đúng và trúng vấn đề, nội dung giải trình mà cử tri và đại biểu quan tâm, cần được làm rõ, giải quyết kịp thời để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thông qua các hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri hoặc qua thực tế cuộc sống của các đại biểu chuyên trách để tìm ra nội dung thật sự bức xúc cần giải trình tại phiên họp. Xác định rõ ràng, cụ thể nội dung cần giải trình có tác động rất lớn đến chất lượng báo cáo giải trình của người được yêu cầu giải trình.
Xác định đúng người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thu thập đầy đủ thông tin nhiều chiều về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước. Khắc phục, cải thiện tình trạng gửi tài liệu chậm, muộn để các đại biểu có thời gian nghiên cứu kỹ, hiểu rõ và nắm chắc vấn đề, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các phiên chất vấn, giải trình.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị đề cao trách nhiệm đối với cơ quan, người giải trình, phải cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề theo yêu cầu đặt ra, nêu rõ việc đã làm được, việc chưa làm được, nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ và biện pháp khắc phục. Chú trọng công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau phiên giải trình, quan tâm những yếu tố bảo đảm thi hành kết luận được hiệu quả, khả thi.