Trách nhiệm, hành động sau giải trình

- Thứ Hai, 18/03/2024, 07:14 - Chia sẻ

Ngày mai, 19.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Trước đó, ngày 25.1.2024, Ủy ban Thường vụ đã ban hành Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15. Nghị quyết quy định về: nguyên tắc, phạm vi giải trình; tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình; nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình; trách nhiệm, quyền của người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; trình tự, thủ tục tổ chức hoạt động giải trình; thực hiện kết luận vấn đề được giải trình; theo dõi, đôn đốc, báo cáo việc thực hiện kết luận vấn đề được giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Tính từ Quốc hội Khóa XIV đến nay, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện được 31 phiên giải trình với nhiều đổi mới trong hoạt động các cơ quan của Quốc hội. Còn nhớ, cuối tháng 2.2023, trước sức “nóng” của thị trường xăng dầu, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu. Tại phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành như: doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu, dẫn đến sự bị động khi phải tìm nguồn thay thế; xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề cụ thể trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất liên quan đến bảo đảm nguồn cung, phương pháp tính giá, thời gian giữa hai kỳ điều hành giá, về dự trữ xăng dầu, phân công trách nhiệm trong quản lý nhà nước... Đó chỉ là một trong những phiên giải trình về vấn đề “nóng” cần có sự giải trình thấu đáo của đại diện cơ quan quản lý cũng như những kiến nghị, giải pháp khắc phục nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề bức thiết mà thực tiễn đặt ra. Đây cũng là minh chứng cho hiệu quả hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thời gian qua.

Dù đã có quy định nhưng hoạt động giải trình trước đây mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiến hành phiên giải trình hay tiêu chí lựa chọn vấn đề giải trình... nên đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của phiên giải trình. Để khắc phục tình trạng này, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực sự trở thành cẩm nang của hoạt động giải trình khi quy định cụ thể, chi tiết trong từng khâu để thực hiện phiên giải trình.

Như vậy, chưa tròn 2 tháng được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15. Điều này cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động giải trình. Bởi mục đích cuối cùng, những quy định của nghị quyết phải sớm được triển khai; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện ngay kết luận giải trình để tạo chuyển biến tích cực trên thực tế.

Hiệu ứng thành công của một phiên giải trình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, việc lựa chọn vấn đề giải trình “trúng” và “đúng”. Cùng với đó, kết luận vấn đề giải trình phải đủ “sắc”, đủ “mạnh”, phải có kiến nghị, yêu cầu cụ thể, rõ ràng, thời gian thực hiện, trách nhiệm thực hiện kết luận, trách nhiệm báo cáo việc thực hiện kết luận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Và điều quan trọng cuối cùng là kết luận vấn đề được giải trình được thực hiện chuyển biến thế nào trên thực tế. Muốn vậy, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ động theo dõi, kịp thời đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện kết luận vấn đề được giải trình; xem xét, đánh giá báo cáo việc thực hiện kết luận và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận vấn đề được giải trình thì Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình và làm rõ trách nhiệm về việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận; kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 - cơ sở pháp lý quan trọng và đầy đủ về hoạt động giải trình đã có. Tin rằng, với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm triển khai thực hiện nghị quyết này sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội. Qua đó, tăng tính chủ động của Quốc hội trong việc kịp thời phản ứng với các vấn đề thời sự của cuộc sống; đồng hành, giám sát Chính phủ trong giải quyết các vấn đề bức thiết đặt ra.

Lê Hùng
#