- Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về nhiều nội dung quan trọng
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Phiên thảo luận Tổ về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
- Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Dự toán sát thì không phải chuyển nguồn, vay thêm
Cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) nêu rõ, năm 2023 đã tăng thu ngân sách nhà nước là 133,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với dự toán và tăng so với con số Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu vào tháng 10 (Chính phủ dự kiến số thu năm 2023 chỉ đạt dự toán, chứ không tăng thu). Như vậy, số tăng thu ngân sách nhà nước 133,4 nghìn tỷ đồng là tăng vào quý IV.2023.
Theo đại biểu Nguyễn Vân Chi, việc xây dựng dự toán không sát và thấp hơn thực tế làm cho không gian tài khóa bị thu hẹp. Đáng lưu ý, khi xây dựng dự toán thu thấp (trong khi nhu cầu chi đầu tư ngày càng tăng) đặt ra vấn đề phải đi vay, dẫn đến xây dựng dự toán bội chi cao hơn so với nhu cầu thực tế. Mặt khác, việc giải ngân lại chậm, nhiều dự án không giải ngân được, buộc phải chuyển nguồn.
Trong Báo cáo của Chính phủ không đặt ra vấn đề chuyển nguồn vì đây là những nội dung chưa được quyết toán. Tuy nhiên, đại biểu dẫn số liệu Báo cáo quyết toán năm 2022 của Chính phủ cho thấy, số chuyển nguồn của năm 2022 sang năm sau là hơn 1 triệu tỷ đồng, nếu tính số chuyển nguồn trên tổng chi ngân sách chiếm 39,6%; nếu so sánh số chuyển nguồn với số thực chi của ngân sách nhà nước thì chiếm 65,5%.
"Điều này cho thấy, chúng ta không thể giải ngân vốn đầu tư, không tiêu được những khoản dự toán chi nên phải chuyển nguồn lớn. Thực tế, số chuyển nguồn này gần bằng 85,3% số phải huy động bội chi, tức là chúng ta phải đi vay (vay trong nước, vay nước ngoài). Đây là con số rất lớn".
Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Nguyễn Vân Chi nêu rõ, “nếu chúng ta làm dự toán sát với khả năng thu, chi thì không cần phải chuyển nguồn và phải vay thêm đến 85%. Tất cả khoản vay nợ, bội chi là bài toán chúng ta để lại cho giai đoạn sau, thế hệ sau, vì đi vay phải trả”.
Do đó, đại biểu đề nghị, tới đây cần đánh giá lại những vấn đề này thực sự thấu đáo và sớm sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để có cách tiếp cận xây dựng dự toán ngân sách cho phù hợp và thực tế hơn.
Về dự toán thu, tăng thu tương đối lớn, nhất là trong 3 khu vực đầu tư nước ngoài, khu vực ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước. Nếu nhìn từ góc độ số thu cho thấy kết quả rất khả quan về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo Báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế thì tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn, doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường lớn hơn so với số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập.
Nêu vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Vân Chi đề nghị Chính phủ phải có báo cáo về tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp, nhằm có báo cáo sát hơn về tình hình kinh tế - xã hội.
Ủy ban Kinh tế cũng có đánh giá về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 9,6%, so với năm 2022 tăng 20% (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ năm 2023 chỉ tăng 7,1%, trong khi năm 2022 tăng 15,8%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I.2024 (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) cũng thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP...
Đại biểu Nguyễn Vân Chi cho rằng, những số liệu trên cho thấy, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho đến thời điểm hiện nay không có tác động đến tăng cầu tiêu dùng. Do vậy, cần hết sức cân nhắc khi xem xét kiến nghị của Chính phủ về việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi lẽ nếu doanh nghiệp được giảm đầu vào 2%, thì giá bán ra cũng phải giảm 2%, không có tác động trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Vẫn chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật
Cho rằng điểm nhấn của Quốc hội Khóa XV là đã thực hiện rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị, lãnh đạo Quốc hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác này. Ngoài rà soát tiến độ, cần rà soát kỹ về mặt nội dung của các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật.
Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, có những luật có hiệu lực từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết thi hành luật; nhưng khi trình sửa đổi luật, lại đề nghị sửa đổi chính nội dung chưa quy định chi tiết. "Vấn đề này có liên quan đến cam kết của Chính phủ trước Quốc hội, đồng thời gây khó cho triển khai thực hiện luật, kéo theo đó nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách. Đề nghị những nội dung Quốc hội đã giao, Chính phủ phải thực hiện, bảo đảm văn bản quy định chi tiết cũng phải có hiệu lực cùng thời điểm luật có hiệu lực thi hành", ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) nhấn mạnh.
ĐBQH Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) nhất trí với nhận định nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm ban hành, có những văn bản nợ đến 9 năm. Đáng lưu ý, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2007, tức là đã gần 20 năm, nhưng Chính phủ vẫn còn một nội dung chưa quy định chi tiết. Gần đây nhất, Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024, nhưng Nghị định hướng dẫn thi hành luật đến ngày 27.2 vừa qua mới ban hành, trong khi đó ở địa phương phải chờ Nghị định hướng dẫn thi hành mới tổ chức đấu thầu được. Điều này gây ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Chính phủ đã tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tích cực ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, nhưng với tình hình chậm như đã nêu, ĐB Đặng Ngọc Huy lo ngại, tới đây việc ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành đối với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có kịp thời hay không?
Đại biểu Đặng Ngọc Huy cũng nêu một số nghị định, văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn đã được các đại biểu Quốc hội đề xuất, kiến nghị sửa đổi nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi như: Nghị định 67/2014/NĐ - CP chính sách phát triển thủy sản; Quyết định 48/2010/QĐ – TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ, khai thác, nuôi trồng hải sản và khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Đại biểu đề nghị Chính phủ lưu tâm, sớm sửa đổi các văn bản này.