Hạn chế tối đa lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước; đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, từ tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi còn nhằm sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định, dài hạn. Thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành nghề và địa bàn cần khuyến khích đầu tư.
Đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện các tiêu chuẩn về phòng, chống chuyển giá, chống trốn thuế, thất thu thuế, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế.
Thảo luận về dự án Luật, ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) tán thành về sự cần thiết phải sửa đổi luật. Tuy nhiên, tại Điểm m, Khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: “Khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế…”. Trên thực tế, nảy sinh tình huống doanh nghiệp bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư hoặc đã bỏ tiền đầu tư dự án kinh doanh. Tuy nhiên, do các lý do khách quan, dự án gặp rủi ro và doanh nghiệp không có doanh thu từ dự án đó.
Trong những trường hợp như vậy, theo đại biểu, cơ quan thuế thường căn cứ vào quy định “khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế” để loại bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí đã đầu tư của dự án gặp rủi ro. Điều này là bất hợp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến động lực đầu tư của doanh nghiệp. Rủi ro không có doanh thu là điều không doanh nghiệp nào mong muốn, nhưng đó là một phần tất yếu của hoạt động đầu tư kinh doanh.
Nếu không cho phép tính chi phí được trừ trong trường hợp này sẽ khiến các doanh nghiệp ngần ngại khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư các dự án mới có rủi ro cao, các dự án đầu tư mạo hiểm, mô hình kinh doanh mới, hoặc các hoạt động đổi mới sáng tạo. Trong khi đây lại là những lĩnh vực, hoạt động mang lại động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các loại chi phí liên quan đến việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư các dự án mới nhưng sau đó gặp rủi ro dẫn đến không có doanh thu vào diện chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 13, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị "áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc ngành, nghề quy định tại các Điểm g, h và i Khoản 2 Điều 12 của Luật này”. Lý do là vì trong trường hợp dự thảo quy định là dự án đầu tư thì sẽ được hiểu bao gồm dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng. Đồng thời theo quy định tại Khoản 5, Điều 14 dự thảo Luật quy định về ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng thì chỉ được miễn thuế, giảm thuế mà không có thuế suất ưu đãi. Do đó cần quy định rõ ràng, cụ thể chỉ có dự án đầu tư mới thì được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% theo quy định tại Khoản 1, Điều 13 của dự thảo Luật…
Hoàn thiện chính sách để mở rộng cơ sở thu
Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh, việc sửa đổi là cần thiết nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu. Bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ và bảo đảm ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi còn nhằm luật hóa một số quy định đã thực hiện ổn định trong thời gian dài tại văn bản dưới luật; góp phần cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thực hiện quản lý thuế điện tử, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật có liên quan; bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường và điều tiết tiêu dùng của xã hội phù hợp xu hướng cải cách thuế của các nước cũng như thực hiện cam kết quốc tế.
Tán thành về sự cần thiết phải sửa đổi luật, tuy nhiên, ĐBQH Lê Thị Nga (Hà Nam), ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng vì đây là thiết yếu, không đúng với mục đích là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng xa xỉ.
ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) thì đề nghị cân nhắc, xem xét tác động của đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường đối. Việt Nam là đất nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, nhu cầu giải khát của người dân là rất lớn, trong đó, có một phần đáng kể là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp. Đối với nhóm đối tượng này cũng như người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa… nhu cầu sử dụng các loại nước giải khát khá phổ biến, đặc biệt là các gia đình sống ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Bởi vậy, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường thực chất là “đánh” vào người tiêu dùng, ở đây là nhóm đối tượng là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do đó, đề nghị khi xác định mặt hàng, sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phải cân nhắc tác động của sắc thuế đến nhóm người tiêu dùng nêu trên.
Ngoài ra, cũng cần tính toán hiệu quả thu ngân sách nhà nước. Chính phủ dự kiến thu 2.400 tỷ, tuy nhiên đã tính toán chi phí để tiến hành thu thuế chưa? Ngành thuế sẽ mất bao nhiêu tiền để thu được 2.400 tỷ đồng, đó là chưa tính đến chi phí từ phía doanh nghiệp…