Báo cáo kết luận kiểm toán có hiệu lực pháp lý là căn cứ để xử lý các vi phạm về kinh tế, hành chính và thậm chí là xử lý theo pháp luật về hình sự, dân sự. Nhưng khi nghiên cứu những quy định, quy phạm mà cơ quan soạn thảo trình QH lần này, tôi thấy, tuy đã được nâng tầm lên khá nhiều so với Luật hiện hành năm 2005 nhưng ở một số nội dung vẫn chưa tương xứng với nhiệm vụ và quyền hạn được cho là rất lớn của Kiểm toán Nhà nước. Nếu so sánh với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân - đều là những hệ thống cơ quan độc lập do QH trực tiếp thành lập và có những đạo luật quy định rất chặt chẽ từ tổ chức cho đến việc tố tụng trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình thì các nội dung của dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) còn nhiều điều rất đơn giản và thiếu cụ thể, dễ dẫn tới việc hiểu, vận dụng tùy nghi trong quá trình tổ chức thực hiện. Ví dụ, các quy định trình tự, thủ tục từ việc công bố quyết định, tiếp cận hồ sơ, thu thập chứng cứ, giải trình, lập hồ sơ, xây dựng báo cáo kiểm toán… đều thiếu chặt chẽ, chưa cụ thể. Hay quy định về thời gian tối thiểu, thời gian tối đa cho một cuộc kiểm toán không được quy định trong luật cũng sẽ có thể dẫn đến tình trạng tùy nghi trong quá trình thực hiện. Hay quy định về đối tượng của công tác kiểm toán cũng chưa cụ thể, rất rộng. Quy định về trình tự giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán khi có những nội dung mà đơn vị không nhất trí với báo cáo kiểm toán cũng không rõ. Dự thảo Luật chỉ bó hẹp, giải quyết trong hệ thống kiểm toán, theo tôi, cũng chưa thỏa đáng, nhất là đối với những kết luận kiểm toán mà có mâu thuẫn với các kết luận khác của các cơ quan chuyên ngành khác như cơ quan giám định tài chính, cơ quan thanh tra, cơ quan thanh tra chuyên ngành - cũng chưa thấy quy định phân xử như thế nào? Cuối cùng là vai trò pháp lý của báo cáo kiểm toán chưa rõ, chưa được hiểu đây là một quyết định hành chính, quyết định về kinh tế, hay có phải là văn bản quy phạm pháp luật buộc đơn vị, những người có liên quan chấp hành hay không?
Những vấn đề chưa rõ, chưa cụ thể nêu trên thực chất cũng chính là những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm toán hiện nay và là những vật cản có tác động không nhỏ tới hiệu lực, mục tiêu tốt đẹp của công tác kiểm toán trong thời gian vừa qua. Tôi đề nghị rà soát, bổ sung, chỉnh lý những điều luật có liên quan đến các nội dung nêu trên để Kiểm toán Nhà nước thực sự thực hiện được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ là cơ quan Hiến định độc lập, chỉ tuân theo pháp luật.