ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên): Chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, đã lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, thận trọng các ý kiến
Tôi tán thành cao với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tham gia soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội lần này được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, đã rất lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, thận trọng các ý kiến tham gia hợp lý của các đại biểu Quốc hội, của các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước; thận trọng đối với những vấn đề lớn, vấn đề khó và còn ý kiến khác nhau vì dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có vai trò rất quan trọng, có sự ảnh hưởng và tác động sâu rộng đến mọi tổ chức, cá nhân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại kỳ họp này đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đặt ra, cơ bản khắc phục được những hạn chế của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Để hoàn thiện hơn dự thảo Luật, tôi tham gia ý kiến về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất do Nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm. Tại khoản 2 Điều 34 dự thảo Luật quy định "Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm không thuộc trường hợp sử dụng đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy định tại Điều 202 của luật này thì có quyền, nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ quyền bán, quyền thế chấp và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê".
Quy định đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất là hợp lý và phù hợp với việc bảo toàn đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng; ngăn chặn được việc tài sản có thể bị phát mại nếu thế chấp. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu có thể xem xét cho đơn vị sự nghiệp công lập được quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê theo hướng quy định chi tiết, điều kiện góp vốn để tạo điều kiện và giảm áp lực về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn): Khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật và các văn bản quy định chi tiết
Tôi nhất trí cao với các chính sách lớn và nhiều quy định cụ thể trong dự thảo Luật. Dự án Luật đã đáp ứng yêu cầu trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, tôi chỉ góp ý thêm về kỹ thuật lập pháp.
Cụ thể, về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số: so với các phiên bản trước, dự thảo Luật lần này đã có bước tiến rõ rệt trong quy định về đất đai cho đồng bào thiểu số với nhiều chính sách mới, đặc thù, nhằm tạo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn về đất đai, tạo sinh kế ngày càng tốt hơn cho đồng bào. Điều 16 dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào. Theo đó, quy định “Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào, có chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào”. Khoản 5, khoản 6 của điều này giao trách nhiệm cho chính quyền cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Khoản 9 điều này giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, hồ sơ trình kỳ họp bất thường này chưa có dự thảo văn bản quy định chi tiết của Chính phủ. Dự thảo nghị định quy định chi tiết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm cũng không có quy định về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, chính sách đất đai đối với đồng bào là nội dung cơ bản của chính sách dân tộc. Theo quy định của Hiến pháp, “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”. Do đó, đề nghị xem xét cụ thể hóa hơn chính sách bảo đảm và hỗ trợ đất đai cho đồng bào tại Điều 16, ví dụ các vấn đề về hạn mức sử dụng đất, về diện tích tối thiểu được giao, về khu vực được giao đất làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.
Về quy định chuyển tiếp. Như Báo cáo số 724 ngày 14.11.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định, dự án Luật Đất đai là một dự án luật lớn, có tính chất quan trọng, đặc biệt, có tác động sâu rộng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này sửa đổi 8 luật hiện hành, bãi bỏ Nghị quyết số 132 năm 2020 của Quốc hội và bãi bỏ 4 điều, khoản có liên quan đến đất đai của 3 luật; dự thảo có 7 điều quy định về chuyển tiếp, từ Điều 253 đến Điều 259. Ngoài ra, Điều 260 quy định 15 trường hợp chuyển tiếp và khoản 6 điều này giao Chính phủ quy định các trường hợp chuyển tiếp khác sau khi có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quy định về chuyển tiếp có tác động rất lớn về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đất đai, nhất là quyền của người sử dụng đất, vì vậy, đề nghị xem xét bỏ quy định ở khoản 16 Điều 260 của dự thảo Luật, đồng thời rà soát các quy định về chuyển tiếp để chỉ đưa vào luật các quy định áp dụng dài hạn cùng với thời gian có hiệu lực của luật. Các quy định còn lại áp dụng trong một thời gian ngắn, có tính chất thí điểm, ví dụ gắn với thời hạn thuê hoặc thời hạn giao đất thì đưa vào nghị quyết thi hành luật. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu đánh giá kỹ nếu cần thiết thì sớm xây dựng dự thảo nghị quyết thi hành Luật Đất đai 2024 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, bảo đảm thời gian có hiệu lực cùng với luật. Chính phủ khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật và các văn bản quy định chi tiết để các quy định của Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống.
ĐBQH Quàng Văn Hương (Sơn La): Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã cụ thể, rõ ràng hơn
Tôi cũng như các đại biểu Quốc hội nhận thấy, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi Luật Đất đai lần này nói chung và chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Cơ quan chủ trì thẩm tra và Ban soạn thảo đã nỗ lực cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp thu nhiều ý kiến, đề xuất của các đại biểu Quốc hội qua các kỳ họp, ý kiến của cử tri và Nhân dân; thể chế hóa các chủ trương, tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng. Do đó, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm đã bổ sung và có 15 điều quy định trực tiếp đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 2 điều quy định riêng và 13 điều có quy định tại các điều, khoản.
Các nội dung quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, về địa bàn, đối tượng, nội dung chính sách, nguồn vốn thực hiện và trách nhiệm thực hiện của Nhà nước trong dự thảo Luật đã được bổ sung cụ thể, rõ ràng hơn. Điều này thể hiện rõ nét vai trò Quốc hội quyết định chính sách dân tộc theo khoản 5 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 và khoản 3 Điều 7 Luật Tổ chức Quốc hội.
Để bảo đảm các quy định về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số chặt chẽ, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất hơn và sớm đi vào cuộc sống, tôi đề nghị Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 16 Luật Tổ chức Chính phủ, sớm cụ thể hóa quy định của luật, ban hành các chính sách cụ thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số làm cơ sở giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua giám sát chương trình mục tiêu quốc gia, theo báo cáo của Chính phủ, đến nay trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thì dự án 1 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất mới thực hiện được 489/17.400 hộ, chiếm 2,81%, do đó việc ban hành chính sách này là hết sức cấp thiết.
Về tính thống nhất giữa quy định áp dụng chung và chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị tiếp tục chỉnh lý quy định rõ hơn đối với 2 nhóm đối tượng, bao gồm: Nhóm thứ nhất gồm các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện ưu tiên nằm trong phạm vi các xã đã được phân định thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì được thực hiện theo quy định tại Điều 16 và một số điều khoản có dẫn chiếu ở Điều 16; Nhóm thứ hai gồm các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng ưu tiên và ngoài phạm vi vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nghĩa là không thuộc đối tượng ưu tiên nhóm 1 thì được áp dụng chung như các quy định khác của luật. Đề nghị xem xét, bổ sung vào Điều 16 và sau khoản 8 một khoản có nội dung như sau: "Các hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng thuộc khoản 2 và khoản 3 điều này thì thực hiện theo các quy định áp dụng chung của luật này" hoặc bổ sung vào các điều khác thể hiện nội dung này cho phù hợp hoặc nghị định của Chính phủ quy định về việc này.