Ngăn chặn “thuyền nhân” – lời hứa của Thủ tướng Sunak
Kế hoạch Rwanda là trọng tâm mà Chính phủ Rishi Sunak đề ra để ngăn chặn hàng chục nghìn người di cư trái phép từ nhiều nước đang có chiến tranh hoặc nghèo đói triền miên ở châu Á, Trung Đông và châu Phi vào Anh thông qua eo biển Manche trong vài năm gần đây. Trong năm 2023, hơn 29.000 người đã tìm cách vào Anh qua con đường này.
Tháng 4.2022, Anh và Rwanda nhất trí với thỏa thuận cho phép Anh trục xuất những người nhập cư trái phép đến Rwanda trong quá trình chờ xử lý đơn xin tị nạn. Rwanda, quốc gia vốn là nơi sinh sống của hàng nghìn người tị nạn từ các nước châu Phi, đồng ý thỏa thuận này sau khi Anh trả trước 140 triệu bảng Anh (175 triệu USD). Chính phủ Anh cho rằng cách trục xuất này sẽ gây nản lòng những người định vượt biển theo cách đầy rủi ro để vào Anh và thuê dịch vụ của các băng nhóm buôn người.
Tại sao có Dự luật Rwanda?
Tuy nhiên, Hiệp ước ký giữa Anh và Rwanda đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhóm nhân quyền. Những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận giữa Anh và Rwanda về việc đưa người di cư, trong đó nhiều người chạy khỏi các quốc gia có xung đột như Afghanistan, Syria và Iraq, đến một quốc gia cách đó 6.400km, là phi đạo đức và không khả thi.
Vào tháng 6.2023, Anh dự định tổ chức chuyến bay đầu tiên để trục xuất 7 người di cư đến Rwanda nhưng sau đó kế hoạch này đã bị hủy do sự can thiệp vào phút cuối của Tòa án Nhân quyền châu Âu. Vài tháng sau, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh cũng ra phán quyết rằng kế hoạch trục xuất của chính phủ là bất hợp pháp thỏa thuận này là trái với Luật Nhân quyền Anh, vì Rwanda không phải là quốc gia an toàn cho người tị nạn, khiến họ có nguy cơ bị ngược đãi.
Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Sunak đã không từ bỏ nỗ lực và thúc đẩy một đạo luật khẩn cấp, chính là Dự thảo Luật Rwanda nhằm vô hiệu hóa Luật Nhân quyền vốn đang cản trở những vụ trục xuất như vậy.
Dự luật Rwanda có nội dung gì?
Dự luật Rwanda nêu rõ, Nghị viện Anh là cơ quan có thẩm quyền và có quyền quyết định tính pháp lý của một luật mới mà không bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế. Chính phủ Anh có thể cân nhắc tuân thủ hay không các phán quyết tạm thời từ Tòa án Nhân quyền châu Âu.
Kể từ khi được thúc đẩy, dự luật cũng gây tranh cãi trong cơ quan lập pháp và chính trường Anh. Tuy nhiên, sự bế tắc này đã được khơi thông vào rạng sáng 23.4 khi Thượng viện Anh chấp thuận thông qua dự luật mà không cần bổ sung những điều chỉnh mà cơ quan này đưa ra trước đó. Dự luật đã được Hạ viện Anh thông qua vào tháng 12 năm ngoái. Dự kiến, Vua Charles III sẽ thông qua dự luật này vào cuối tuần này, trước khi dự luật chính thức được ban hành.
Phản ứng của các tổ chức quốc tế
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi Nghị viện Anh thông qua dự luật, Liên Hợp Quốc và Hội đồng châu Âu đã đồng loạt yêu cầu chính phủ Anh xem xét lại văn bản này.
Trong một thông cáo, Liên Hợp Quốc yêu cầu chính phủ Anh xem xét lại dự luật Rwanda để tránh tạo ra “một tiền lệ nguy hiểm” trên thế giới. Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền Volker Türk và Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi đã kêu gọi Thủ tướng Rishi Sunak đưa ra những biện pháp thiết thực hơn để ngăn chặn dòng người di cư và tị nạn, dựa trên cơ sở hợp tác và tôn trọng nhân quyền quốc tế.
Ông Volker bày tỏ lo ngại khi Dự luật Rwanda sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng nền pháp quyền ở Vương quốc Anh” và hạn chế phạm vi bảo vệ nhân quyền ở nước này cũng như trên thế giới. Về phần mình, ông Grandi nhấn mạnh dự luật mới của chính phủ Anh nhằm mục đích trì hoãn trách nhiệm bảo vệ người tị nạn và làm suy yếu hợp tác quốc tế về di cư.
Chiến thắng quan trọng của phe Bảo thủ trước bầu cử
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh James Cleverly khẳng định: “Đây là bước tiến pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai kế hoạch Rwanda và trục xuất những cá nhân không có quyền sinh sống hợp pháp tại Anh. Cách duy nhất để ngăn chặn nhập cư trái phép bằng thuyền hơi vào Anh là xóa bỏ động lực nhập cư bằng cách đưa ra thông điệp rõ ràng rằng: nếu bạn vào Anh bất hợp pháp, bạn sẽ không được phép ở lại”.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố rằng: “Việc thông qua đạo luật không chỉ là bước tiến quan trọng mà còn thay đổi cơ bản trong bài toán toàn cầu về di cư. Chúng tôi đưa ra Dự luật Rwanda nhằm ngăn chặn các nhóm di cư dễ bị tổn thương bất chấp nguy hiểm vượt biển và triệt phá đường dây buôn bán người của các nhóm tội phạm có tổ chức. Mục tiêu hiện tại của chúng tôi là tập trung tổ chức các chuyến bay đến Rwanda, và tôi khẳng định rằng không gì có thể cản trở chúng tôi thực hiện kế hoạch này và để bảo vệ tính mạng người di cư”.
Một ngày trước khi dự luật được thông qua, Thủ tướng Anh Sunak thông báo, chính phủ nước này đã đặt thuê máy bay thương mại và 500 nhân viên được đào tạo sẵn sàng hộ tống người di cư đến Rwanda với những chuyến bay sẽ khởi hành trong khoảng 10 đến 12 tuần nữa.
“Chúng tôi đã sẵn sàng. Các kế hoạch đã sẵn sàng và những chuyến bay này sẽ diễn ra dù có chuyện gì xảy ra. Không có tòa án nước ngoài nào có thể ngăn cản chúng tôi cất cánh các chuyến bay”, ông Rishi Sunak cho biết.
Trước đó, các cơ quan của Anh đã nỗ lực chuẩn bị các khâu hậu cần cho kế hoạch này. Các bước triển khai bao gồm: một sân bay dự phòng và các chuyến bay thương mại được lên kế hoạch cụ thể; địa điểm tạm giữ người di cư với sức chứa lên đến 2.200 người; 200 cán bộ phụ trách được đào tạo chuyên nghiệp sẵn sàng xử lý đơn yêu cầu; cơ quan tư pháp đã bố trí 25 phòng xét xử nhằm giải quyết các vụ án nhanh chóng và dứt khoát; Chính phủ Anh đã đào tạo 500 nhân viên nhằm hộ tống người nhập cư trái phép đến Rwanda, thêm 300 nhân viên sẽ được đào tạo trong vài tuần tới.
Việc thúc đẩy thông qua thành công dự luật Rwanda được coi là chiến thắng lập pháp quan trọng của phe bảo thủ. Bởi đây đây là một phần trong chính sách mà ông Sunak kỳ vọng có thể giúp đảng của ông giành được sự ủng hộ của những cử tri đang do dự trước cuộc bầu cử Nghị viện sắp tới.